Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năng suất lao động sụt giảm là thách thức đối với kinh tế Việt Nam

Thứ sáu, 17/06/2016 - 10:20

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo Khát vọng Việt Nam 2035 với chủ đề “Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế”, diễn ra ngày 16/6, tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Sandeep Mahajan (chuyên gia kinh tế của WB) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cảnh Nhật

Theo báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện, đến năm 2035, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập trung bình (GDP đầu người đạt 22.000 USD), tiến tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng năng suất giảm là thách thức lớn nhất đối với khát vọng tăng thu nhập của Việt Nam đến năm 2035. Theo thống kê của WB, từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất của Việt Nam đã trên đà giảm xuống. Nếu tính trung bình trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2010 trở lại đây năng suất lao động chỉ đạt mức tăng trưởng 3% so với mức tăng 7% của giai đoạn những năm 1990. Nguyên nhân được cho là do năng suất lao động của khu vực Nhà nước và tư nhân đều kém hiệu quả.

Trong khi năng suất trong khu vực Nhà nước còn thấp do quyết định đầu tư công kém hiệu quả, thì năng suất ở khu vực ngoài quốc doanh cũng giảm mạnh. Nguyên nhân là do không có cơ sở thể chế cho một nền kinh tế thị trường phát triển vì khung chính sách và khả năng thực thi còn yếu; khuôn khổ pháp lí để bảo vệ quyền đối với tài sản tư nhân chưa phát triển…

Trả lời cho câu hỏi cần làm gì để đạt được khát vọng vào năm 2035, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế của WB cho rằng trong 20 năm tới, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dựa trên ba trụ cột chính. Đó là tăng trưởng đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.

“Những trụ cột này như thế ba chân kiềng, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, thỏa mãn khát vọng tăng trưởng giai đoạn từ nay đến năm 2035. Nếu một trong ba chân kiềng nói trên bị gãy đổ hoặc cái thấp, cái cao thì mặt bàn sẽ nghiêng ngã, không trụ vững được”, ông Sandeep Mahajan nói.

Nói về điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập vào năm 2035, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần khôi phục tăng trưởng năng suất. Trong đó, các biện pháp cải cách trước mắt là tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất của khu vực tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, cải cách toàn diện khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo định hướng thị trường, thương mại hóa và giảm mạnh sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, tận dụng các cơ hội ngoại thương, tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị toàn cầu.

Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cần ngăn ngừa những trở ngại đối với tăng trưởng sau khoảng một thập niên nữa và tạo những cơ cấu vững chắc hơn về học tập, đổi mới và sáng tạo, tăng cường hiệu quả tích cực của sự kết tụ các hoạt động kinh tế trong quá trình đô thị hóa và đảm bảo bền vững về môi trường.

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm