Theo dõi Báo Thanh tra trên
Vũ Thanh
Thứ bảy, 06/11/2021 - 18:53
(Thanh tra) - Khi tiết trời dịu mát cũng là khởi đầu cho mùa ăn ong kéo dài trong gần trăm ngày. Không phải ong mật, loại ong thịt được ưa chuộng đều hung dữ, nọc độc con trưởng thành có thể gây tử vong nhưng nhộng non thơm ngon, bổ dưỡng làm vạn người mê, thậm chí như gây nghiện.
Để kiểm tra, khai thác ong vò vẽ, thợ săn ong phải mặc bộ đồ bảo hộ bao trùm toàn cơ thể. Ảnh: VT
Từ món cải thiện trong mâm cơm đạm bạc của người nghèo, nhộng ong giờ đã thành đặc sản được người sành ăn săn lùng. Nhờ đó, gia đình những thợ săn ong vùng sơn cước cũng có thêm những niềm vui, nụ cười hạnh phúc đến từ nguồn thu được coi là lộc, quà tặng từ rừng…
Sơn hào dân dã
“Các bác đi vào nhà, đóng cửa lại. Khi nào em bảo mới được ra ngoài. Không nghe, ong đốt đi viện thì đừng trách em không nói trước. Nọc ong này độc lắm đấy, cả đàn bu vào đốt, trâu còn chết chứ đừng nói là người…” - vừa trùm bộ quần áo bảo hộ bằng vải nhựa dầy, kín mít từ đầu đến chân, anh Hoàng Đình Anh ở khu 2A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn vừa quay lại cảnh báo mấy anh em đứng cách xa cả chục bước chân tò mò dõi theo từng cử động chậm rãi của anh tiến gần đến tổ ong vò vẽ to như chiếc nón lá loang lổ hoa văn treo trên xà ngang mái chuồng lợn bỏ không cuối vườn.
Từ mấy chiếc lỗ đen ngòm to như ngón tay cái, những con ong vằn vện đen vàng tấp nập ra vào, tiếng vỗ cánh rì rào đầy ám ảnh trong không gian tĩnh lặng.
Chưa uống cạn ấm chè, tiếng anh đã rổn rảng ngoài sân: “Các bác mở cửa được rồi. Ra phụ em nhặt ong. Tổ này khá đấy, phải gần bốn cân nhộng chứ chả đùa…”.
Trên chiếc nong lớn để giữa sân gạch, tổ ong đã được xé thành gần chục mảng như những chiếc bánh đa lớn đều tăm tắp những ô nhỏ hình lục lăng với những mũ trắng trám trên miệng. Tỷ mẩn bóc từng mũ trám, nhặt những ấu trùng ong trắng ngà, căng mọng với kích cỡ như đầu đũa bỏ vào chiếc rổ tre để cạnh là ông Hoàng Văn Tư, bố đẻ của anh.
Anh bộc bạch: “Mấy năm nay ong nhiều, kích thước tổ to hơn hẳn. Hồi em còn nhỏ chăn trâu khắp các vùng đồi quanh đây, thi thoảng vẫn tìm được tổ ong vang, ong muỗi, ong vò vẽ, thậm chí là ong bầu trời, bạc trán… nhưng tổ to thế này thì hiếm lắm. Thời đói kém, tìm thấy là hun lửa đốt, vun lá nướng ăn ngay tại chỗ. Cũng lắm khi bị đốt, mặt mũi sưng vù đến biến dạng mất hai, ba ngày nhưng vẫn vui vì món ngon lạ miệng, vị thơm, bùi, ngậy in sâu trong tâm trí suốt cả đời người…”.
Bữa trưa của người vùng cao đãi khách độc món nhộng ong rang lá chanh béo ngậy chất kín trong lòng chiếc mâm nhôm, bao bọc xung quanh là lá nhội, vón vén, đinh lăng… mọc quanh vườn nhà.
Rượu ngô thơm lừng sóng sánh từng bát, chủ nhà xởi lởi: “Các bác dùng tự nhiên cho. Không lo say đâu, chút nữa làm bát cháo nhộng ong tráng miệng là tỉnh như sáo tắm ngay. Đến người ốm liệt giường làm bát cháo nhộng ong xong còn vục dậy cày một mạch hết ba sào ruộng cơ mà…”.
Thấy tôi nghi ngại, anh bạn vong niên là người địa phương cười lớn: “Tin bố con nhà này có đổ thóc giống vào mà xay. Nhưng nó nói cũng có phần đúng đấy. Ong vò vẽ có nọc rất độc, có thể gây tử vong nếu bị nhiều con đốt cùng một lúc. Nhưng nhộng ong hay ấu trùng ong lại là sản phẩm bồi bổ trong thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, vitamin và khoáng chất, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Từ xa xưa ấu trùng ong đã là một loại thức ăn quý dành cho đế vương và quý tộc đấy. Theo Đông y, nhộng ong có vị hơi ngọt, lạnh, không độc, có tác dụng giúp sát khuẩn, chống tổn thương suy yếu nội tạng, ích khí, chống lão suy, làm nhan sắc tươi nhuận, da dẻ mịn màng, rất tốt đối với người gày yếu, trẻ nhỏ biếng ăn, còi xương, chậm phát triển thể chất…”.
Cũng chẳng dám chắc lời nói trong lúc hưng phấn trước bữa rượu của ông bạn là thầy thuốc Đông y nghỉ hưu chính xác đến đâu nhưng đúng là mấy năm gần đây, từ món cải thiện trong mâm cơm đạm bạc của nhà nghèo vùng sơn cước, nhộng ong đã trở thành đặc sản, hàng hoá có giá trị trên thị trường. Khách đến tận nhà hỏi mua, giá cả tổ khoảng 250.000 đồng/kg, lấy riêng nhộng tầm 450.000- 500.000 đồng/kg. Có khoảng 30-40 tổ như nhà ông Tư, vừa ăn vừa bán cũng có hơn chục triệu đồng mỗi vụ, đủ để tạo nên những niềm vui, hạnh phúc bình dị cho trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, người già trước mùa đông giá lạnh…
Nghề săn ong
Ong vò vẽ vốn sống hoang dã, để “thuần hoá”, mang về nhà nuôi là cả kỳ công mà không phải ai cũng làm được. Trước đây, trẻ chăn trâu, người đi rừng may mắn phát hiện được tổ ong, dù to hay nhỏ đều hun khói, lấy cả tổ coi như món quà hào phóng của rừng. Nay người ăn ong chuyên nghiệp dày công theo dõi từng đường bay, bắt ong đúng thời điểm mới xây tổ, đưa về nhà nuôi như tài sản riêng để thu hoạch khi sản lượng nhộng ong cao nhất và còn tính toán để lưu trữ, nhân giống cho các mùa tiếp theo.
Theo lời kể của anh Hoàng Đình Anh và các thợ săn ong ở Tân Phú thì mùa ăn ong được tính từ tháng 3 đến hết tháng 9 Âm lịch. Nắng ấm, hoa gạo rụng cũng là thời điểm ong làm tổ. Lúc này người ăn ong phải lên rừng từ sáng sớm, tỉ mẩn tìm kiếm, phát hiện từng con ong trong những bụi cây rậm rạp. Người có kinh nghiệm sẽ phát hiện ngay đâu là ong thợ và có thể dùng xác chuồn chuồn hay miếng thịt lợn có kích thước, trọng lượng phù hợp làm mồi nhử để con ong tha về tổ. Từ đó căn cứ theo đường bay, hướng bay của con ong để tìm ra tổ. Thời điểm này, tổ ong thường chỉ mới bằng chiếc bát ăn cơm, người thợ sẽ ghi dấu để đêm tối tìm đến, dùng lá sắn non vê nhuyễn hoặc mảnh giấy mỏng phết hồ trám kín vào miệng tổ ong vò vẽ rồi nhẹ nhàng cắt về gắn vào vị trí thích hợp trong vườn nhà và yên tâm chờ đến ngày thu hoạch mà không cần chăm sóc.
Nhiều người giờ đầu tư cả ống nhòm hiện đại để theo dõi đường bay của ong nhưng hiệu quả xem ra phần lớn vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm và duyên may của mỗi người. Có ngày tìm được cả chục tổ nhưng cũng có ngày thợ đi rạc chân, theo dõi mấy lượt ong thợ đến 5-7 cây số trong rừng rồi vẫn về không. Ong để trong vườn nhà, dần quen với hoạt động của người cũng bớt hẳn hung dữ, không ai chọc phá, kích động thì không tấn công. Sau vài tháng, tổ phát triển bằng chiếc nón lá, cái mâm ăn cơm là phía trong đã có 5-8 tầng, lượng nhộng căng mọng.
Trong khoảng tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch, căn cứ vào kích thước, số lượng ong thợ ra vào tổ mà người thợ quyết định thời điểm khai thác. Sớm quá ong chưa đủ nhộng, muộn quá tổ sẽ tàn.
Ngày trước, để lấy nhộng ong, người ta thường dùng lửa đốt, khói hun phá sạch cả tổ. Giờ cánh thợ nhiều kinh nghiệm đã biết xé tổ để chừa lại tầng trên cùng cho ong còn chỗ trú ngụ, thậm chí còn chăm sóc, nuôi dưỡng ong chúa qua mùa đông để “tái cơ cấu” tiếp vào năm sau.
Không mất công chăm sóc, giá thành cao nhưng rất ít người mặn mà với nghề săn ong vò vẽ bởi lẽ không phải ai cũng dám đối đầu, chấp nhận những vết đốt có nọc độc nhức buốt, thậm chí gây tử vong. Những thợ săn ong có tiếng lành nghề, kinh nghiệm cả chục năm nhưng vẫn thường xuyên bị ong đốt, sưng vù mặt mũi mấy hôm, thậm chí còn phải đi viện truyền huyết thanh giải độc…
Không được phép khai thác nhưng do ong vò vẽ là lâm sản phụ, tái sinh nhanh lại là nguồn thu giúp các gia đình vơi bớt khó khăn nên lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng không ngăn cấm mà chỉ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về phòng chống cháy rừng khi dùng lửa hun, đốt khai thác ong. Thực tế cũng chứng minh, nhờ ý thức giữ gìn, nhân giống để thu lợi bền vững của người dân mà mấy năm gần đây, sản lượng nhộng ong ngày càng tăng, số lượng tổ ong được duy trì đều đặn.
Trời đổ mưa nặng hạt, gió thu se lạnh, đưa miếng nhộng ong cuốn lá rừng vào miệng, cảm nhận vị thơm, bùi, ngậy lan toả nơi đầu lưỡi mới thấy thiên nhiên thật hào phóng, sơn hào đâu cứ phải cầu kỳ mà nhiều khi mộc mạc, đơn giản đến bất ngờ…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Yên Bái đã đạt được thành tích đáng tự hào. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 2.995 căn nhà trong tổng số 3.022 căn theo kế hoạch, tương đương 99%.
Bùi Bình
00:00 13/12/2024(Thanh tra) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất hiện hiện tượng mạo danh nhân viên điện lực để đòi nợ tiền điện và yêu cầu khách hàng thao tác các bước theo đường dẫn (link) đối tượng cung cấp.
Theo EVNNPC
21:24 12/12/2024Theo EVNNPC
21:11 12/12/2024Theo EVNNPC
21:10 12/12/2024Thái Hải
20:36 12/12/2024T.Thanh
18:48 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC