Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mồ hôi đá

Thứ bảy, 16/08/2014 - 06:31

(Thanh tra) - Dù bê tông cốt thép có tính năng ưu việt đến đâu cũng không thay thế được đá tự nhiên trong một số lĩnh vực, như chế tác sản phẩm mỹ nghệ, tâm linh... Song, để có được một sản phẩm bằng đá đẹp, thì từ khai thác đến chế tác là cả một đoạn trường thấm đẫm mồ hôi của người và đá.

Nghệ nhân Trần Dần đang hoàn thành tác phẩm Sư tử đá bằng nguyên liệu đá trắng Lục Yên. Ảnh: Thế Lữ

Cực nhọc nghề đá

Nghề đá hiện nay đang rất thịnh hành. Trong cả nước có 3 địa phương nổi tiếng về đá với 3 loại đá dùng để chế tác sản phẩm mỹ nghệ. Đá xanh phân bố nhiều ở vùng Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, dùng để tạc tượng, khắc mộ đá, bia đá, cột đá, cổng đá... Đá trắng có nhiều ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, chủ yếu để tạc tượng nghệ thuật, phù điêu, bia mộ... Đá cẩm thạch có vân ngũ sắc, phân bố nhiều ở Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, chuyên chế tác linh vật dùng để chấn trạch, yểm tà khí như sư tử, nghê, rồng.

Để có được một khối đá đưa về xưởng chế tác, người thợ đá phải đổ nhiều mồ hôi, thậm chí đổ máu, bị thiệt mạng khi nổ mìn khai thác. Công đoạn vận chuyển, cưa xẻ rồi đến chế tác… công đoạn nào cũng thấm đẫm mồ hôi. Chưa kể công đoạn nào cũng tiếp xúc với rất nhiều bụi đá, trong đó bụi can xi làm tổn hại lớn đến phổi và mắt. Nhiều người thợ đá đã phải bỏ nghề do hít nhiều bụi đá vì chủ quan ít dùng khẩu trang, kính, ít sử dụng phun nước trong khi làm việc.

Sản phẩm về đá cũng rất kỳ công. Có những sản phẩm vài chục người làm cùng lúc với thời gian có khi mất cả năm. Lại có những công trình chế tác nhiều năm ròng rã với hàng nghìn tấn đá chồng lên nhau mà không một chất kết dính như Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), Nhà thờ đá Bảo Nham (Yên Thành, Nghệ An) hoặc xưa hơn là Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

Làm đá vất vả nhưng thu nhập không cao. Thu nhập cao nhất của nghề này từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, thuộc nhóm có bàn tay tài hoa hoàn thành tác phẩm ở công đoạn sau cùng. Từ khâu khai thác đá, cưa xẻ, chế tác thô chỉ được hưởng 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Thổi hồn cho đá

Trở lại xứ đá Xuân Vũ, xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình), một làng nghề đá mỹ nghệ có truyền thống lâu đời với lợi thế vây quanh nhiều núi đá vôi. Các nghệ nhân làm đá của Ninh Vân ngày xưa đã chạm khắc lăng tẩm ở Chùa Hương, Đền Trình (Hà Nội), Đền Phủ Giầy (Nam Định). Hiện, xã có hơn 50 hộ với hàng trăm lao động nghề đá. Trong mấy chục năm qua, đá và thợ đá nơi này đã xây dựng nhiều cụm tượng đài ấn tượng trên cả nước, đó là cụm Tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh, cụm Tượng đài ở Nghĩa trang Trường Sơn, Tượng đài Người lính Việt Nam tình nguyện tại Thủ đô Phnômpênh của Campuchia, cụm Tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, Tượng đài Bác Hồ ở TP Vinh, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Chí Linh - Hải Dương...

Ngoài các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nói trên, làng nghề đá Ninh Vân cung cấp cho cả nước nhiều mộ đá, lăng mộ đá, lư hương, chân cột đá, cổng chào theo nhu cầu của khách hàng.

Tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước thuộc Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng hiện có gần 500 cơ sở sản xuất với 3.000 lao động, doanh thu 120 tỷ đồng/năm. Hiện có 20 hộ đã lập trang web giới thiệu sản phẩm. Đá Cẩm Thạch có vân màu đẹp của vùng đất này được dùng nhiều để tạc các con vật linh như sư tử, rồng, nghê... Giá trị của những khối đá này cũng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Còn nhớ, việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh Bắc - Nam chia cắt. Gia đình nghệ nhân Huỳnh Phước Thảo ở Non Nước đã tổ chức khai thác, cưa xẻ 200 bìa đá cẩm thạch có màu trắng và đỏ, bí mật chuyển ra Hà Nội. Và, màu đỏ của lá cờ đỏ sao vàng trong Lăng vẫn tươi thắm đến tận hôm nay chính là đá cẩm thạch Non Nước.

Nguồn đá trắng của Lục Yên, Yên Bái chủ yếu dùng tạc tượng nghệ thuật, nhiều tượng mô phỏng tượng Thần Vệ Nữ, nụ hôn vĩnh cửu hoặc tượng Đức mẹ Đồng trinh, tượng Chúa Giêsu, tượng Phật... Nhiều gia đình giàu có thuê tạc tượng người thân đã khuất bằng loại đá này.

Ngoài ra, đá trắng Lục Yên cũng được sử dụng vào chạm khắc lăng mộ hoặc các loại phù điêu, long sàng đặt ở các đền, chùa.

3 địa phương nói trên, mỗi địa phương có một nguồn đá nguyên liệu đặc trưng riêng. Từ nhiều đời nay, các nghệ nhân nghề đá đã hóa thân vào đá, thổi hồn cho đá để các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt, mãi mãi trường tồn với thời gian. Các công trình như Thành nhà Hồ, Nhà thờ đá Phát Diệm, Chùa Hương... là những điểm sáng trong dòng chảy văn hóa kiến trúc của dân tộc Việt mà không phải ai cũng biết được tên tuổi của các nghệ nhân. Chỉ biết rằng, mồ hôi và cả máu của họ đã thấm đẫm từng phiến đá.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm