Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kỳ vọng tác động tích cực vào chính sách tới khu vực người dân tộc Khmer

Ánh Kim

Thứ hai, 25/10/2021 - 17:36

(Thanh tra) - Dự án Phát triển thủy sản bền vững (SFDP) được kỳ vọng sẽ có những tác động xã hội tích cực đáng kể nhờ vào việc xây dựng các chính sách và thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với người nghèo, người dễ bị tổn thương sống trong khu vực dự án, đặc biệt là ở các khu vực có người dân tộc Khmer sinh sống.

Nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng. Ảnh: Nhandan.vn

Theo UBND các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, các dân tộc chính của 10 tỉnh dự án có truyền thống tôn giáo và văn hóa riêng biệt bao gồm đa số là người Kinh, người dân tộc Khmer (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), người dân tộc Mường, Thái, H’Mông (Thanh Hóa), người dân tộc Vân Kiều (Quảng Trị) và các nhóm nhỏ hơn, người Việt gốc Hoa (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang) và người dân tộc Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận).

Trong các tỉnh dự án, Sóc Trăng và Bạc Liêu cho đến nay có số người dân tộc thiểu số (DTTS) lớn nhất, lần lượt là 39,8 % và 54,9 % cho mỗi tỉnh. Tại tỉnh Kiên Giang, người DTTS cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn 14,2 % trong khi ở tỉnh Cà Mau, số lượng người DTTS tương đối nhỏ (chỉ 0,27 % dân số).

6 mục tiêu chính

Dựa trên kết quả quá trình sàng lọc đã được thực hiện, xác định có sự hiện diện các DTTS tại các khu vực tiểu dự án của 3 thành phố tham gia là Rạch Giá, Trà Vinh và Cà Mau. Do đó, tiêu chuẩn môi trường và xã hội số 7 của Ngân hàng Thế giới về DTTS (ESS7) là phù hợp để áp dụng đối với các địa phương này. Khung chính sách DTTS được lập để hướng dẫn chuẩn bị kế hoạch phát triển DTTS ở các thành phố nêu trên sau khi thiết kế chi tiết và tác động đến DTTS được xác định với 6 mục tiêu chính:

Thứ nhất, đảm bảo quá trình phát triển dự án khuyến khích sự tôn trọng hoàn toàn quyền con người, phẩm giá, nguyện vọng, bản sắc, văn hóa và sinh kế dựa vào tài nguyên thiên nhiên của các cộng đồng DTTS.

Thứ hai, tránh các tác động tiêu cực của các dự án đến các cộng đồng DTTS, hoặc khi không thể tránh được, thì giảm thiểu, giảm nhẹ hoặc bồi thường cho các tác động đó.

Thứ ba, tăng cường lợi ích và các cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng DTTS theo cách thức dễ tiếp cận, toàn diện và phù hợp về văn hóa.

Thứ tư, cải tiến thiết kế dự án và thúc đẩy sự hỗ trợ của địa phương bằng cách thiết lập và duy trì mối quan hệ liên tục dựa trên tham vấn có ý nghĩa với các cộng đồng DTTS bị ảnh hưởng bởi dự án trong suốt vòng đời của dự án.

Thứ năm, để có được sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, trước và được thông tin đầy đủ từ các cộng đồng DTTS bị ảnh hưởng trong ba trường hợp được mô tả trong ESS7.

Thứ sáu, công nhận, tôn trọng và bảo tồn văn hóa, kiến thức và tập quán của các cộng đồng DTTS, đồng thời tạo cơ hội cho họ thích ứng với các điều kiện đang thay đổi theo cách thức và khung thời gian phù hợp với họ.

Kỳ vọng về những hiệu quả tích cực cho đồng bào DTTS

Mặc dù dự án có các tác động tiêu cực tiềm tàng đối với người DTTS, đặc biệt là những người phụ thuộc vào sản xuất rừng để có lương thực và thu nhập, do đó ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Song, về cơ bản dự án được thiết kế nhằm mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dự án.

Theo đánh giá của các địa phương, dự án được kỳ vọng sẽ có những tác động xã hội tích cực đáng kể nhờ vào việc xây dựng các chính sách đảm bảo có tham vấn và có sự tham gia và thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương sống trong khu vực dự án (đặc biệt là ở các khu vực có người Khmer sinh sống). Cũng như nhờ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn (đường giao thông, thoát nước, cấp nước và vệ sinh, các công trình công cộng, cấp điện và khả năng tiếp cận các lợi ích của dự án sau khi hoàn thành) dựa trên các ưu tiên của cộng đồng.

Đơn cử tại Hợp phần 1 - Phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững, dự án đề xuất có khả năng mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ dân trong vùng dự án (bao gồm cả cộng đồng người Khmer trong vùng dự án) thông qua việc xây mới hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá tại tỉnh Kiên Giang, các khu neo đậu tránh trú bão khu vực, cảng cá và khu trú bão tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Cộng đồng người Khmer nằm trong khu vực dự án cũng có cơ hội tiếp cận các lợi ích từ các tiện ích này sau khi dự án hoàn thành, chẳng hạn như tăng cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập.

Trong khi đó, các hạng mục cơ sở hạ tầng đề xuất phục vụ các trại nuôi tôm tại 4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (như đường kết nối, hệ thống cấp thoát nước mặn cho vùng nuôi, hệ thống cấp điện và các công trình liên quan khác) sẽ cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh này, từ đó cải thiện điều kiện sống, thu nhập và sinh kế của cư dân địa phương, bao gồm cả cộng đồng người Khmer.

Chưa kể, trong quá trình xây dựng, nhiều lao động không có tay nghề tại địa phương, đặc biệt là người Khmer sẽ được thuê làm công nhân xây dựng, và điều này sẽ giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngắn hạn...

Như vậy, với những mục tiêu chính cụ thể, Dự án Phát triển thủy sản bền vững đề xuất nhằm phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và giá trị của sản phẩm, phát triển bền vững ngành Thủy sản. Trong đó, kỳ vọng sẽ tác động xã hội tích cực nhờ vào việc xây dựng các chính sách đảm bảo có tham vấn và có sự tham gia và thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với người nghèo, người dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các khu vực có người Khmer sinh sống.

Theo Ngân hàng Thế giới, thuật ngữ người bản địa là được sử dụng theo nghĩa chung để chỉ một nhóm văn hóa và xã xội có các đặc điểm ở các mức độ khác nhau như sau:

(i) Tự xác định là thành viên của một nhóm văn hóa bản địa riêng biệt và được các nhóm khác công nhận danh tính này;

(ii) Gắn bó tập thể với các môi trường sống riêng biệt về mặt địa lý và lãnh thổ mà tổ tiên để lại trong khu vực dự án và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong môi trường sống và các vùng lãnh thổ này;

(iii) Có các thể chế văn hóa, xã hội, chính trị theo tập tục khác biệt so với các thể chế của nền văn hóa và xã hội chính thống;

(iv) Có ngôn ngữ hoặc phương ngữ riêng, thường khác với ngôn ngữ chính thức của quốc gia hay khu vực.

(v) Ở Việt Nam, thuật ngữ bản địa dùng để chỉ người DTTS.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm