Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kon Tum: Đẩy lùi vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vùng đồng bào thiểu số

Nhật Tường - Thu Huyền

Thứ năm, 23/09/2021 - 11:25

(Thanh tra) - Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã từng là vấn nạn nhức nhối đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum. Hiện nay, nhờ những chính sách phù hợp của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự cải thiện ý thức của người dân, vấn nạn này đang từng bước được ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi.

Kế hoạch về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào thiểu số tỉnh Kon Tum. Ảnh: NT

Hiệu quả từ những chính sách đúng đắn

Kon Tum là địa phương có hơn một nửa dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở đây, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục tồn tại từ nhiều thế hệ, khiến chất lượng dân số suy giảm, nguy cơ suy thoái giống nòi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025.

Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/10/2015, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 (giai đoạn I) trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Theo thống kê, năm 2016 toàn tỉnh có 314 cặp tảo hôn, đến năm 2018 giảm còn 172 cặp và đến tháng 9/2020 giảm xuống con số 76 cặp. Hôn nhân cận huyết thống cũng giảm đáng kể, từ 3 cặp (năm 2017) xuống còn 1 cặp (năm 2018).

Kon Plông là một trong những địa phương được đánh giá cao trong nỗ lực đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của tỉnh Kon Tum. Đây là huyện vùng cao của tỉnh, với 86,63% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (đến cuối năm 2020 có 6.403 hộ với 23.084 nhân khẩu).

Theo thông tin được công bố trên Cổng Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thời gian qua trên địa bàn huyện Kon Plông không có hôn nhân cận huyết thống và con số tảo hôn thì có xu hướng giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 có 39 cặp (49 người); năm 2017 có 22 cặp (33 người); năm 2018 có 19 cặp (21 người); năm 2019 có 9 cặp (12 người); năm 2020 có 2 cặp (4 người).

Kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể

Ngày 1/4/2021, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Văn bản số 1052/KH-UBND về việc thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn II (2021 - 2025), với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Theo kế hoạch, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phấn đấu đến năm 2025, trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; giảm bình quân 2% - 3% mỗi năm số cặp tảo hôn và 3% - 5% mỗi năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là xây dựng, triển khai nhân rộng mới mô hình điểm “can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã.

Các hoạt động chủ yếu của nội dung này sẽ được triển khai như: Tiếp tục duy trì các mô hình đã được triển khai trong giai đoạn I tại các huyện Kon Plông (tại xã Ngọc Tem, Đăk Nên), Sa Thầy (tại xã Rờ Kơi) và Kon Rẫy (tại xã Đăk Tờ Lung). Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu chính xác liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đánh giá, lựa chọn địa bàn để xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả (mỗi địa phương lựa chọn thành lập 1 mô hình tại xã); thường xuyên tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe, giới tính cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số trước khi kết hôn.

Giai đoạn I (2015 - 2020), mô hình điểm “can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao thuộc tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình, xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông), sau 3 năm thực hiện (từ 2016 - 2018), các kết quả thống kê đã thể hiện những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Cụ thể, năm 2015 xã có 23 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Năm 2016 giảm còn 9 trường hợp, năm 2017 là 8 trường hợp và năm 2018 giảm còn 2 trường hợp tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống.

Trong một tham luận mang tiêu đề “Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số” trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông A Pớt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum đã nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những giải pháp trọng tâm để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên thực tế, sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân ở Kon Tum đã tạo được những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm