Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiến nghị áp dụng các chính sách nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá

Phương Anh

Thứ tư, 23/11/2022 - 22:55

(Thanh tra)- Nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong do thuốc lá, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng các chính sách nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như chính sách về thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV

Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, thuốc lá rất có hại có sức khoẻ. Hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ rất nhanh, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế, về truyền thông để người sử dụng thuốc lá ngày càng hiểu về tác hại của thuốc lá gây ra, đồng thời cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân để công tác phòng chống ngày càng hiệu quả hơn.

Diễu hành tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: PV

Thông tin tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương đến từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Theo dự báo của WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%; số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Theo thống kê, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam có xu hướng giảm. Từ 2015, tỷ lệ này là 45,3%, đến năm 2020 đã giảm xuống 42,3%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới, theo điều tra giai đoạn 2015-2020 lại có xu hướng gia tăng, dẫn đến tỷ lệ hút thuốc lá chung tại Việt Nam tăng 18% so với 2020.

Đặc biệt, việc hút thuốc xảy ra cao nhất ở nhóm người nghèo nhất. Do giá thuốc lá rẻ, dẫn đến những người có thu nhập thấp và nhóm thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận, sử dụng nhiều. Vì vậy, tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá ở hai nhóm người này cao.

Các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng các chính sách nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như chính sách về thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thông tin và quan tâm đến thuốc lá điện tử. Sự xuất hiện của loại hình thuốc lá mới này đã khiến cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhất là khi đối tượng sử dụng chính là thanh thiếu niên.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội.

Theo bà Trang, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Trong khi đó, hiện Việt Nam mới có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật… Đặc biệt, luật, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn in cảnh báo sức khỏe đối với bao thuốc lá điếu, không điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

“Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ”, đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

Còn theo TS  Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, không chỉ thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử và các sản phẩm mới đều không an toàn cho sức khoẻ, sử dụng nhiều nhất là thanh thiếu niên bởi nó chứa hàm lượng nicotine và chất gây nghiện cao, ảnh hưởng đến não bộ, trí tuệ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, những chất được chứng minh gây ung thư và các bệnh tim mạch…

WHO đã và đang tìm mọi cách để ngăn chặn việc thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, giúp thế hệ tương lai tránh nghiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm