Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm tra 35.091 lượt, xử lý 2.465 hành vi vi phạm

Văn Thanh

Thứ hai, 10/07/2023 - 22:28

(Thanh tra) - Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh Thanh Hóa về tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), toàn tỉnh đã tiến hành 35.091 lượt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCCC là 2.465 hành vi; tổng tiền phạt hơn 18 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 211 trường hợp.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra PCCC tại các cơ sở. Ảnh: VT

Sáng 10/7, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày báo cáo về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022.

Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 35.087 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó: 6.095 cơ sở do cơ quan công an quản lý, 28.992 cơ sở do UBND cấp xã quản lý; số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp là 304 cơ sở, trong đó KCN Tây Bắc Ga có 193 cơ sở.

Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh Thanh Hóa về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, toàn tỉnh đã tiến hành 35.091 lượt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCCC là 2.465 hành vi; tổng tiền phạt hơn 18 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 211 trường hợp. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 211 cơ sở vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC đang bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động (tại KCN Tây Bắc Ga là 103 cơ sở, chiếm 48,8%).

Phần lớn các cơ sở bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động là do vi phạm các quy định về PCCC trong quá trình đầu tư, xây dựng (chưa thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đã đi vào hoạt động, không đảm bảo lối thoát nạn, ngăn cháy lan). Qua kiểm tra, giám sát, đa số các cơ sở chấp hành nghiêm quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ PCCC, trên địa bàn tỉnh có 56 đô thị, trong đó có 28 đô thị đã lắp đặt mạng lưới trụ nước chữa cháy (chiếm 50%, trong đó có 701 điểm thuận lợi cho xe chữa cháy lấy được nước tại các sông, suối, ao, hồ, kênh rạch; 671 trụ nước chữa cháy).

Giai đoạn 2020-2022, thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Luật PCCC (sửa đổi) và chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể địa phương cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và người dân, nên công tác PCCC đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn.

Công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC được tăng cường, kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động phối hợp với các lực lượng và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân kịp thời chữa cháy, CNCH các vụ cháy, sự cố, tai nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh, số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra được kiềm chế. Kết quả trên đã góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC giai đoạn 2020-2022 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác quán triệt, triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và các văn bản có liên quan của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH của một số UBND cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm. Ban chỉ đạo PCCC cấp huyện và Ban chỉ đạo PCCC và CNCH cấp xã hoạt động còn hình thức...

Để công tác PCCC và CNCH tiếp tục đạt kết quả tích cực, trong thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền một số nội dung, cụ thể: Đối với Quốc hội, nghiên cứu tổng kết 10 năm thi hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC, từ đó sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và ban hành Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC và CNCH; quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương.

Đối với tỉnh, HĐND tỉnh, Ban Pháp chế, đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác PCCC và CHCH nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư, phê duyệt các đề án, dự án trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH; phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ CNCH.

UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, các văn bản của Trung ương về công tác PCCC và CNCH và các văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác PCCC và CNCH.

Triển khai thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng PCCC trong quy hoạch chung của tỉnh theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan chuyên môn tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH.

Chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo PCCC cấp huyện, cấp xã đảm bảo duy trì, phát huy vai trò của các ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương.

Chỉ đạo công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, chú trọng khâu “tiền kiểm” để kịp thời phát hiện những thiếu sót, kiến nghị ngay từ đầu, tránh lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát.

Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất. Ưu tiên bố trí kinh phí cho PCCC và các lực lượng PCCC và CNCH.

Chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương phân loại cụ thể những khó khăn, vướng mắc theo nhóm các dự án, loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại KCN Tây Bắc Ga. Sau kiểm tra, rà soát, sớm có hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị khắc phục những tồn tại để phục hồi, ổn định hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình ngay từ các bước đầu tư xây dựng ban đầu (xây dựng không phép, sai phép...). Đối với các công trình không thuộc diện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, khi cấp phép xây dựng phải lưu ý các giải pháp, trang bị phương tiện PCCC theo quy định tại tiêu chuẩn TCVN 3890:2023...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức Net Zero vào năm 2050

(Thanh tra) - Việt Nam được Liên hiệp quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

T.Thanh

13:44 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm