Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Kiên
Thứ ba, 10/08/2021 - 09:49
(Thanh tra) – Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần đồng nghĩa với việc trong tương lai người lao động (NLĐ) khi đến tuổi về hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già...
Bộ phận một cửa của BHXH tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần của người lao động. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Giải quyết khó khăn trước mắt
BHXH không chỉ là sự bảo vệ cho chính người đóng, mà còn là sự đảm bảo an sinh cho cả xã hội. Rút BHXH 1 lần gia tăng nhanh là nguy cơ ảnh hưởng tới việc đảm bảo an sinh của cả cộng đồng nói chung.
Theo Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau 5 năm thực hiện luật BHXH, từ 2016 - 2020, tổng số người hưởng BHXH 1 lần là trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH.
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy quý I/2021, cả nước có 226.503 người hưởng BHXH 1 lần (tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020); 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng BHXH 1 lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội trong những năm tiếp theo.
Một số địa phương có số người hưởng BHXH 1 lần tăng cao như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Nguyên nhân, theo chuyên gia Bùi Sỹ Lợi, chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19 kéo dài, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc nên đã lựa chọn nhận BHXH 1 lần.
Ông Lợi phân tích, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay, NLĐ đã nghỉ việc đủ 12 tháng là nguyên nhân tăng số người làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH 1 lần, với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại.
“Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu”, ông Lợi nói.
Đáng chú ý, người hưởng BHXH 1 lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH 1 lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH 1 lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỷ lệ hưởng BHXH 1 lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.
Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, người nghỉ hưởng BHXH 1 lần chủ yếu là những NLĐ sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH (trung bình chiếm khoảng 97%).
Mất nhiều quyền lợi lâu dài
Dưới góc độ triển khai chính sách, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, việc rút BHXH 1 lần nguyên nhân là ảnh hưởng về việc làm, số người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc tăng, chủ yếu là lao động trẻ, chưa có nguồn tích lũy, nên họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống.
Nguyên nhân khác là việc thiết kế chính sách BHXH có một số điểm còn thiếu linh hoạt, khiến một số người không đủ điều kiện, khả năng để tham gia cho đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu...
Việc nhận BHXH 1 lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt nhưng NLĐ đã không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.
Chia sẻ lo lắng trước tình trạng gia tăng số NLĐ nhận BHXH 1 lần, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết: Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nuối khi NLĐ lựa chọn phương án nhận BHXH 1 lần, thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đã đóng và đợi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH, tích lũy để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
“Khi NLĐ nhận BHXH 1 lần, NLĐ sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”, ông Thọ nói
Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh, việc nhận BHXH 1 lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho NLĐ. Do đó, NLĐ không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH 1 lần.
Trưởng ban Chính sách BHXH khuyến nghị NLĐ cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH 1 lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.
Những thiệt thòi của người lao động khi rút BHXH 1 lần
Theo quy định hiện nay, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu lãnh BHXH 1 lần, người lao động chỉ nhận được từ 1,5 hoặc hai lần bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHXH.
Ngoài ra, tiền lương hưu không cố định mà sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Vì thế, khi có lương hưu thì cũng phần nào giúp người lao động trang trải được cuộc sống.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân