Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khó xử lý hình sự

Trần Kiên

Thứ ba, 07/09/2021 - 06:36

(Thanh tra) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nguyên nhân là do thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng BHXH gặp nhiều khó khăn...

Người dân làm thủ tục BHXH. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Chống đối quyết định xử phạt

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) dành 3 điều (214, 215, 216) để điều chỉnh các hành vi liên quan đến việc đóng BHXH. Song đến thời điểm này, chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào bị khởi tố điều tra vì hành vi trốn tránh, chây ì không đóng BHXH.

BHXH Việt Nam cho hay, cả nước hiện có hàng nghìn doanh nghiệp (DN), đơn vị đang nợ đọng tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là BHXH), làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động.

Trong đó, có những đơn vị, DN thực sự khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... nên chưa có khả năng thanh toán số tiền nợ đọng BHXH. Cũng có không ít đơn vị, DN cố tình chây ì, trốn đóng BHXH cho người lao động, chiếm dụng vốn để sử dụng vào việc khác...

Từ năm 2016 - 2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều đơn vị, DN dù làm ăn khấm khá vẫn chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH.

Cũng trong giai đoạn này, BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hơn 2.100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị, DN vi phạm pháp luật trong việc đóng BHXH cho người lao động, với số tiền xử phạt khoảng gần 115 tỷ đồng.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số lượng đơn vị, DN bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chây ì đóng BHXH vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Tệ hơn là có không ít đơn vị, DN không chỉ cố tình trốn tránh đóng BHXH, mà còn “lơ” quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Trong hầu hết các trường hợp như vậy, BHXH Việt Nam cũng chỉ còn biết “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, chứ không thể làm gì để ép các đơn vị, DN tuân thủ pháp luật về BHXH.

Chế tài thấp, chưa đủ tính răn đe

Trong báo cáo gửi Ủy ban Xã hội, tại phiên họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý Quỹ BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH; chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan công an; kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự...

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam cũng triển khai công cụ tra cứu quá trình đóng BHXH trên mạng, từ đó người lao động có thể tự tra cứu biết được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH của mình.

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, biện pháp kiến nghị xử lý hình sự đến nay chưa được thực hiện (ngoài một số trường hợp DN chuyển tiền trả nợ trong quá trình điều tra của cơ quan công an). Nguyên nhân là do thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, pháp luật chưa có quy định về nợ BHXH, dẫn đến cơ quan BHXH phải tự xây dựng, ban hành các hướng dẫn về quản lý nợ, phân tích tình hình nợ và có giải giáp cụ thể để giảm nợ.

“Biện pháp thu hồi, giảm nợ hiệu quả nhất hiện nay vẫn là cơ quan BHXH chủ động, thường xuyên đôn đốc, nắm bắt đơn vị, DN nhằm hạn chế nợ phát sinh, thu hồi nợ; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng. Đồng thời, cơ quan tòa án nhân dân, công an cần có giải pháp triển khai tích cực quy định về xử lý hình sự tội trốn đóng; pháp luật BHXH cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nợ nêu trên”, ông Nguyễn Thế Mạnh nêu.

­­­­Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Ông đề nghị, cần phân rõ từng loại nợ BHXH, loại nào do chây ì, do dịch Covid-19 (trước, sau dịch), loại nào nợ phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Ủy viên Ủy ban Xã hội, về tình trạng chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH cần đánh giá thêm nguyên nhân công tác phối hợp giữa ngành BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của Liên đoàn lao động tại các địa phương chưa thực sự rõ nét, nhất là công đoàn cơ sở.

Bà Ý cho biết, thời gian qua, có địa phương dù công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý rất tốt, song còn nhiều DN vi phạm chế độ, chính sách với người lao động, trong đó có trốn đóng, nợ đóng BHXH. Vì thế, bà Ý cho rằng, chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Trên thực tế, BHXH và Công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo điều 216 của Bộ luật Hình sự. “Từ thực trạng trên, đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để tổ chức công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện DN đòi nợ BHXH”, bà Nguyễn Thị Như Ý nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm