Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Khi có dư luận phải thanh tra, kiểm tra”

Thứ ba, 20/09/2016 - 06:31

(Thanh tra)- Trao đổi với báo chí về xôn xao nhiều người thân của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được bổ nhiệm làm lãnh đạo tại các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, “phải có thanh tra, kiểm tra vào cuộc, làm rõ và trả lời dư luận, đừng để nhân dân xì xào làm giảm mất niềm tin vào công tác cán bộ”…

Ông Lê Quang Thưởng. Ảnh: T.N

Chưa có quy định cấm bổ nhiệm người nhà lãnh đạo giữ các chức danh hành chính

Gần đây, thông tin trên mạng xã hội lan truyền việc người thân của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang được bổ nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Cụ thể: Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn là vợ của ông Triệu Tài Vinh; 3 em trai ông Vinh là ông Triệu Tài Phong - Bí thư Huyện ủy Quang Bình, ông Triệu Sơn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, ông Triệu Tài Tân - Phó Giám đốc Viễn thông Hà Giang; em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang; ông Mạc Văn Cường (em rể ông Vinh) là Phó Công an TP Hà Giang…

Xác nhận với báo chí những người trên đều là người thân và đang giữ các vị trí lãnh đạo trong các ban, ngành của tỉnh, ông Triệu Tài Vinh khẳng định, việc bổ nhiệm không có gì khuất tất, thực tế đã được chứng minh qua năng lực, hiệu quả làm việc của những người này.
Theo ông Vinh, vừa qua đã có cuộc thanh tra, kiểm tra và Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận việc bổ nhiệm cán bộ của tỉnh là đúng quy trình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, hầu như những vụ việc “cả nhà làm quan” đều không bình thường. Nhưng với vụ việc cụ thể ở Hà Giang mà báo chí vừa phản ánh cần xem xét rõ mới kết luận được, vì Hà Giang là một tỉnh biên giới, và những người được đề cập đến là người dân tộc nên chính sách cũng có phần “nương nhẹ” hơn.

“Trong luật mới chỉ quy định việc cấm bổ nhiệm người nhà đối với những vấn đề về tài chính, kế toán, còn những chức danh hành chính thì chưa có quy định cấm nào”, ông Thưởng nói và cho rằng, “khi có dư luận về việc cả nhà làm quan này thì phải có thanh tra, kiểm tra vào cuộc, làm rõ và trả lời dư luận, đừng để nhân dân xì xào làm giảm mất niềm tin vào công tác cán bộ”.

Phải làm rõ quy trình ở đây thế nào?

Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Vũ Quốc Hùng bình luận: Đây không phải là trường hợp đầu tiên cũng như hi hữu ở Việt Nam về việc nhiều người trong một gia đình, trong một dòng họ cùng làm quan chức ở tỉnh. Tôi cảm thấy dường như họ đang muốn trở lại giống như thời xưa “con vua lại được làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Theo ông Hùng, dù có giải thích, khẳng định việc bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình thì cũng cần làm rõ quy trình ở đây thế nào. Hay quy trình của họ là quy trình “giả vờ”, cho lấy ý kiến nhưng lại chỉ đạo mọi người phải bỏ phiếu tập trung rồi. Ông cũng lưu ý, hiện nay chúng ta đang có sơ hở về việc quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là việc bổ nhiệm những người là người thân trong gia đình lãnh đạo, vì vậy cần phải có cơ chế, điều luật cụ thể quy định việc bổ nhiệm này.

Còn với cương vị nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, đã làm lãnh đạo thì không nên đưa con cháu trong gia đình vào làm cùng trong cơ quan và không nên bổ nhiệm người nhà giữ các vị trí lãnh đạo, vì khó nói lắm.

“Người làm lãnh đạo phải hiểu rõ vấn đề ở đây là, Nhà nước thì điều hành theo luật pháp, còn gia đình thì điều hành theo đạo đức, mà người nhà đưa vào cơ quan thì không thể dùng đạo đức để làm việc được, mà dùng luật pháp để áp dụng đối với người thân thì lại càng khó, không thể bảo được. Do vậy, không thể đưa người nhà vào cơ quan hoặc để bổ nhiệm các chức danh để tập hợp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân được. Ví dụ, tôi làm lãnh đạo mà lại bổ nhiệm vợ vào giữ chức vụ cao trong cơ quan, đơn vị thì khó nói lắm. Tôi mà nói thì về nhà bà ấy mắng tôi chết”, ông Thước nói.

  Thảo Nguyên - Hải Thu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm