Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hồng Việt
Thứ ba, 09/11/2021 - 09:10
(Thanh tra) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 305/TB-VPCP ngày 8/11/2021 kết luận Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội - Ảnh: VGP
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao, ghi nhận và cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam với Chính phủ trong suốt thời gian qua; đồng thời Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu về những khó khăn, kể cả mất mát, hy sinh của cán bộ đoàn viên, người lao động do đại dịch COVID-19. Hơn lúc nào hết, trong khó khăn, vai trò của tổ chức công đoàn càng khẳng định rõ nét; hình ảnh đẹp của những cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tận tụy, chăm lo cho đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào, nhiều cán bộ công đoàn ngày đêm lăn lộn, hết mình vì người lao động và doanh nghiệp, đồng cam, cộng khổ, sẻ chia với khó khăn của doanh nghiệp, không quản hiểm nguy, không ít cán bộ công đoàn đã thực sự trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây là điều rất đáng trân trọng, có sức thuyết phục lớn đối với xã hội, khẳng định vai trò, nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam.
Về mục tiêu trọng tâm phối hợp công tác, Tổng LĐLĐVN tiếp tục sát cánh với Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai các nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã đề ra, đặc biệt chú trọng công tác sau đây:
Tiếp tục quán triệt tinh thần không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trước mọi tình huống dịch bệnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, phòng, chống dịch tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sức sáng tạo, tự chủ đi đôi với nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, bảo đảm an toàn trong tình hình dịch bệnh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện mục tiêu kép, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động
Các cấp công đoàn tiếp tục phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao, chất lượng tốt”, “Mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, dứt khoát không để lỡ nhịp, không để nước ta tụt hậu.
Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, tập trung vào kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm. Công đoàn Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần vào việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở
Tổng LĐLĐVN tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, trước hết là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế hiệu quả.
Tổng LĐLĐVN phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân. Thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí… Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho người lao động
Thông báo cũng nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số kiến nghị của Tổng LĐLĐVN. Trong đó, về cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân; đất đai, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về vấn đề nhà ở cho công nhân theo hướng cải cách rút gọn thủ tục hành chính; quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động; cơ chế phù hợp với kinh tế thị trường, huy động hợp tác công tư, cơ chế để công đoàn, địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia; bố trí nguồn đầu tư công trung hạn.
Về phục hồi thị trường lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xử lý theo hướng tăng cường đào tạo nghề, nâng cao tay nghề công nhân; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; có cơ chế nâng cao lợi ích tinh thần, vật chất cho công nhân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển giai cấp công nhân hiện đại.
Về đề nghị bổ sung áp dụng chính sách giáo dục mầm non cho khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung về chính sách giáo dục mầm non cho con em công nhân.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng, đề xuất trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức hỗ trợ cho đối tượng trẻ em mầm non là con của công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Văn Thanh
12:44 22/11/2024(Thanh tra) - Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Mường Ảng (Điện Biên) phát huy hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp diện mạo các địa bàn còn nhiều khó khăn đổi thay, tạo sinh kế, việc làm… giúp cải thiện đời sống Nhân dân, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 22,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,04%.
Trần Trung
11:43 22/11/2024Thái Hải
11:24 22/11/2024Ngọc Phó
10:36 22/11/2024Kim Thành
21:13 21/11/2024Hoàng Nam
16:03 21/11/2024Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh