Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Chương
Thứ bảy, 06/11/2021 - 11:06
(Thanh tra) - Đời sống người dân ngày càng phát triển, khoa học và kỹ thuật được áp dụng vào lao động sản xuất. Thế nhưng, cùng sự phát triển của xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) người Mạ, người Stiêng ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng vẫn lưu giữ những nông cụ truyền thống được làm từ nghề rèn độc đáo.
Nghề rèn truyền thống của người Mạ, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Ảnh: Thanh Chương
Vùng đất anh hùng xã Đồng Nai Thượng, cách trung tâm huyện Cát Tiên khoảng 35km đường dốc và hiểm trở, cách TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hơn 200km. Cách đây 10 năm, nơi này được ví là ốc đảo của đại ngàn một thuở, quanh năm ủ trong sương mây. Thế nhưng, giờ đây, khi chúng tôi trở lại đây, trên những cung đường Đạ Cọ, Bù Sa, Bù Gia Rá, Bê Đê, Bê Nao… không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ngoạn mục.
Đồng Nai Thượng hôm nay đã khác xưa rất nhiều, đường lên xã đã trải nhựa không còn gập ghềnh nữa. Giờ bà con xã nông thôn mới Đồng Nai Thượng hết đỗi tự hào vì sự đổi thay của quê hương cách mạng, nhà cửa khá giả, nhà nhà có của ăn của để, cuộc sống ấm no trong canh tác nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, cà phê, điều, hồ tiêu… và những nông cụ làm từ nghề rèn thủ công như: Xà gạc, cuốc, xẻng, dao, rìu, kiềm, kẹp, đe, búa… vẫn giữ vị trí quan trọng của đồng bào nơi đây.
Theo thống kê, hiện nay, ở xã Đồng Nai Thượng đang có 30 lò rèn thủ công đỏ lửa và hơn 50 thợ rèn chuyên nghiệp thường xuyên hành nghề. Theo đồng bào người Châu Mạ ở Đồng Nai Thượng, rèn là nghề thủ công có từ lâu đời, được họ lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay.
Vì vậy, nghề rèn của người Mạ ở Đồng Nai Thượng khá phát triển và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, nên trong tất cả các buôn làng và các gia đình người Mạ nơi đây hầu như đều biết thao tác nghề rèn. Do rèn là nghề nặng nhọc nên được đàn ông đảm nhiệm và chủ yếu làm trong lúc nông nhàn hoặc khi vào mùa vụ.
Cũng giống như các nghề thủ công truyền thống khác, nghề rèn của người Mạ nơi đây được tổ chức theo một quy trình khép kín từ khâu chọn và xử lý sản phẩm. Công cụ sử dụng trong nghề rèn cũng khá đơn giản gồm có: Bếp lò, ống bễ thụt hơi (làm bằng cây lồ ô), kìm, kẹp, đe, búa và máng nước tôi sản phẩm.
Ông Điểu K’Bên (48 tuổi), ngụ thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng, cho biết: “Tôi không biết nghề rèn có từ khi nào, nhưng nó được cha tôi truyền lại lúc tôi mới 14 - 15 tuổi. Trước đây, khi thổi bếp rèn phải mất hai người, một người đảm nhận việc thổi lửa và một người rèn. Nhưng giờ hiện đại rồi, có lò thổi bằng điện nên rèn khỏe, nhanh, đỡ tốn công hơn”, ông Bền chia sẻ.
Ngày xưa, các sản phẩm rèn không những phục vụ cho nhu cầu sản xuất mà còn được sử dụng trong các nghi lễ mang yếu tố tâm linh của đồng bào người Mạ. Mỗi nhà đều có người biết làm nghề rèn nên sản phẩm làm ra không phải bán như hiện nay. “Ngày nay, xã hội phát triển, nghề rèn thủ công đang dần bị mai một nên ít nhà làm hơn. Trung bình mỗi tháng tôi rèn được từ 15 - 20 sản phẩm và được bán với giá từ 200 - 500 ngàn đồng/sản phẩm như: Xà gạc, lao, xà bách, dao, búa, rìu…”, ông K’Bên cho biết thêm.
Chia sẻ với chúng tôi, già làng Điểu K’Tốt (75 tuổi), ngụ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, cho biết: “Sản phẩm rèn của người Mạ chúng tôi có rất nhiều chủng loại, nhưng đặc trưng và gần gũi với cuộc sống hàng ngày thì phải kể đến xà gạc. Tác dụng chính của xà gạc giống như một con dao phát, dùng để phát nương làm rẫy. Song, người Mạ cũng dùng nó để đào củ măng, củ sắn, hay tự vệ khi gặp thú rừng”.
Theo quan sát, lưỡi xà gạc dài khoảng 20cm, mũi bằng hoặc nhọn. Cán dài khoảng 40 - 50cm, đầu cán để tra lưỡi cong như lưỡi liềm. Ngoài xà gạc, cuốc cỏ (gọi là xạc lai) và dao là những hành trang không thể thiếu để lên rẫy, vào rừng của đồng bào người Mạ. Đặc biệt, trong khi lưỡi xà gạc tra ngang thì lưỡi xạc lai lại tra thẳng vào cán theo chiều dọc.
Nói về các sản phẩm rèn dùng trong đời sống tâm linh, già làng dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Năm Lôi (85 tuổi), xã Đồng Nai Thượng, cho biết: “Xà gạc và lao là những sản phẩm thường được người Mạ sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như đâm trâu, mừng lúa mới, lễ cồng chiêng… Các sản phẩm này được rèn rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, có độ bền và độ thẩm mỹ cao. Sau khi sử dụng trong các nghi lễ, người ta đem rửa sạch và cất giữ cẩn thận, không dùng vào việc sinh hoạt hàng ngày, để thể hiện sự kính trọng đến các đấng thần linh nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình yên, dân làng khỏe mạnh, no đủ…”.
Bà Điểu Thị PRợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, thông tin: Hiện, tất cả 5/5 thôn trong xã đều có thợ rèn. Tuy nhiên, nghề rèn thủ công tập trung chủ yếu ở 2 thôn Bù Sa và Bù Gia Rá.
“Nhằm bảo tồn, phát huy tính kế thừa để lưu giữ nghề rèn truyền thống của người Mạ, thì xã đang có ý tưởng thành lập tổ hợp tác rèn trong thời gian tới. Tới đây, ngoài việc phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì sản phẩm rèn còn được chúng tôi hướng tới để phát triển du lịch. Đặc biệt, trong tương lai, các lò rèn thủ công chính là những nơi thăm quan cho du khách như nghề dệt thổ cẩm truyền thống…” - bà Điểu Thị PRợt cho biết thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương