Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đồng bào Raglai ổn định từ sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn

Khoa Lê

Thứ bảy, 30/10/2021 - 09:48

(Thanh tra) - Đầu năm 2020, tại xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thí điểm mô hình dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng lúa mẫu lớn. Sau khi sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn thì năng suất lúa liên tục tăng. Từ đó, giúp đồng bào Raglai không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa mà từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đồng bào Raglai ở xã Phước Chính đang bón phân chăm sóc lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Khoa Lê

Những ngày cuối tháng 10/2021, chúng tôi ghé thăm cánh đồng mẫu lớn nằm ở 2 thôn Suối Rớ và Suối Khô, xã Phước Chính. Điều làm chúng tôi ấn tượng là cánh đồng lúa rộng hơn 20ha của bà con đồng bào Raglai phát triển xanh tốt, nguồn nước dẫn vào các ruộng dồi dào.

Đặc biệt, các tuyến đường nông thôn nội đồng, kênh mương đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.

Tôi tình cờ gặp anh Cadá Liên, thôn Suối Rớ, xã Phước Chính, đang bón phân chăm sóc cho 3 sào (3.000m2) ruộng lúa của gia đình. Anh Liên là 1 trong 58 hộ đầu tiên ở xã Phước Chính tham gia sản xuất lúa theo cánh đồng lớn.

Anh Liên phấn khởi chia sẻ: “Từ khi tham gia sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, năng suất các vụ liên tục tăng. Từ 2 tạ/sào (1.000m2) vụ đầu tiên, đến nay, năng suất lúa đã đạt 3,5 tạ/sào. Cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước và có được của ăn, của để”.

UBND xã Phước Chính cho biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện với diện tích 23ha, với 58 hộ tham gia sản xuất. Trong năm 2020, huyện Bác Ái đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cánh đồng mẫu lớn với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Hỗ trợ các hộ dân tham gia san ủi đồng với tổng kinh phí gần 777 triệu đồng.

Và đặc biệt, trong vụ đầu tiên, huyện Bác Ái đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu,... cho các hộ dân tham gia cánh đồng mẫu lớn với số tiền hơn 182 triệu đồng.

Ngoài ra, đồng bào Raglai ở xã Phước Chính còn được ngành chức năng huyện Bác Ái hướng dẫn các qui trình kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao hơn nhiều so với cách làm trước đây.

Ông Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, huyện Bác Ái cho biết: “Đầu năm 2020, khi bắt đầu triển khai thực hiện đề án, có 8 hộ nghèo trong tổng số 58 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đến nay còn lại 6 hộ nghèo, giảm 2 hộ. Thành công từ mô hình sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp đồng bào Raglai thay đổi tập quán sản xuất mà còn góp phần cho địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, việc gieo đồng loạt một loại giống và cùng thời gian sẽ giúp bà con Raglai nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất”.

Ông Huấn cho biết thêm, đến nay, xã Phước Chính đã triển khai gieo trồng được 4 vụ là vụ Mùa 2020, vụ Đông - Xuân 2020 - 2021, vụ Hè - Thu 2021 và vụ Mùa 2021. Trong đó, vụ Mùa 2020 gieo trồng được 9,572ha/29 hộ, đến nay đã cho thu hoạch và tái sản xuất. Năng suất đạt 3,8 tấn/ha.

Vụ Đông - Xuân gieo trồng được 17,37ha/42 hộ, đã thu hoạch và tái gieo trồng vụ Hè - Thu 2021. Năng suất đạt 4,5 tấn/ha.

Vào vụ Hè - Thu 2021 gieo trồng được 19,37ha/46 hộ, đã thu hoạch và tái sản xuất vụ Mùa 2021. Năng suất đạt 5,2 tấn/ha.

Vụ mùa 2021 đã gieo trồng được 21,29ha/55 hộ. Hiện nay, còn 1,175ha của các hộ dân còn lại chưa gieo trồng được do có một số khó khăn như đất bị sụt lún, đất bị nghiêng, đất cao không lấy nước được...

Anh Cadá Liên, thôn Suối Rớ, xã Phước Chính bên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Khoa Lê

Ông Huấn cho hay: “Mục tiêu của đề án là thực hiện trong 3 năm (2020-2022) với diện tích 102,5ha, chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (bắt đầu thực hiện từ vụ Hè - Thu năm 2020) thí điểm với diện tích 30ha, giai đoạn 2 (từ tháng 7/2020 - 6/2021) khoảng 30ha và giai đoạn 2 (từ tháng 7/2021 - 2022) khoảng 42,5ha.

Đây là quá trình thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó sẽ gặp những khó khăn, thách thức nhất định. Vì vậy, việc triển khai các công việc phải thận trọng, chắc chắn thông qua việc xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể.

Kế hoạch này phải xác định rõ các nội dung công việc theo một trình tự khoa học, chặt chẽ, gắn với thời gian, đơn vị thực hiện cụ thể và được sự nhất trí, đồng thuận cao của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các hộ dân tham gia mô hình”.

Đề án với mục tiêu chung là xây dựng “cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại xã Phước Chính” gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch đồng bộ, hợp lý hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái.

Sau khi thí điểm thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Phước Chính, huyện Bác Ái đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng và Phước Tân, chủ yếu là sản xuất lúa và đậu xanh. Huyện Bác Ái cũng xác định, người dân miền núi sản xuất cánh đồng mẫu lớn sẽ là cơ hội để đồng bào Raglai thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm