Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đồng bào Raglai chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế

Thanh Hòa

Thứ tư, 17/11/2021 - 09:41

(Thanh tra) - Trước đây, xã Phước Thành, huyện Bác Ái là xã nghèo 30a, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm trở lại đây, nhờ chính sách chuyển đổi cây trồng biến đồi núi trọc thành vườn cây ăn quả cho nhu nhập cao, nên xã Phước Thành đã nhanh chóng “thay da đổi thịt”, đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên rõ rệt.

Vườn bơ của gia đình ông Mai Xuân Vũ, ở thôn Ma Rớ phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên. Ảnh: Thanh Hòa

Xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là xã miền núi có 5 thôn, với 766 hộ/3.300 người, trong đó 95% là đồng bào DTTS Raglai. Phước Thành là xã anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, nên mỗi căn nhà của đồng bào Raglai đều trang trọng thờ ảnh Bác Hồ cạnh lá cờ Tổ quốc, thể hiện lòng biết ơn và quyết tâm một lòng theo Ðảng và Bác Hồ.

Do địa bàn tiếp giáp với các xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), xã Phước Chiến (Thuận Bắc), nên tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở Phước Thành rất phức tạp. Để ổn định tình hình, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phước Thành đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, chính quyền địa phương vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu bền vững.

Là vùng đồng bào DTTS thuần nông nghiệp, xã Phước Thành có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 358ha; trong đó, diện tích lúa nước gần 50ha, phần còn lại là đất đồi không chủ động được nước nên cứ đến mùa khô thì Phước Thành lao đao cảnh thiếu nước sản xuất. Do đó, chuyển đổi cây trồng là hướng đi đúng đắn giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Theo đó, thời gian qua, UBND xã Phước Thành đã vận động bà con trồng thử nghiệm một số loại giống cây trồng mới như: Bưởi da xanh, bơ, đu đủ, mãng cầu, mít, xoài Úc, xoài Đài Loan… với diện tích trên hàng chục ha và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Hiện nay, các diện tích cây trồng của bà con đều phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu ở địa phương. Nhiều vùng đồi núi trọc, vùng khô hạn ngày nào nay đã được phủ xanh bởi các loại cây ăn quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Xuân Vũ, một người dân thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, cho biết: "Hơn 6 năm trước, được sự hướng dẫn của cán bộ UBND xã Phước Thành, tôi đã tiến hành cải tạo 1,5ha đất trên đồi để trồng bơ, mãng cầu, mít và bưởi da xanh. Vì thiếu nguồn nước tưới, tôi phải đầu tư 50 triệu đồng để đưa nguồn nước từ khe núi tự chảy về tưới cho vườn cây, nhờ đó các loại cây trồng của gia đình tôi phát triển rất tốt".

Hiện nay, gia đình ông Mai Xuân Vũ, qua hơn 5 năm chăm bón các loại cây mãng cầu, bơ, mít… đã cho thu hoạch những lứa trái ngọt đầu tiên và cho thu nhập khá. “Vùng đất này nằm cao hơn so với một số nơi ở huyện Bác Ái nên khí hậu như Đà Lạt (Lâm Đồng), thích hợp cho việc trồng cây ăn quả. Vì thế, việc đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao về trồng là phù hợp. Vườn bơ nhà tôi có giống boss và bơ sáp, sau 5 năm trồng đã ra trái, độ chừng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch. Với giá thương lái mua tại vườn khoảng 15 nghìn đồng/kg, sẽ đem đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Vũ vui mừng nói.

Xã nghèo 30a Phước Thành, phát triển cây ăn quả trên đất đồi núi. Ảnh: Thanh Hòa

Cách đó không xa là vườn cây ăn quả có diện tích 2,5ha xanh mướt của gia đình ông Đỗ Kim Tùng. Nói về quá trình phát triển vườn cây này, ông Đỗ Kim Tùng cho biết: Để có được màu xanh tươi tốt trên nương rẫy, năm 2015, tôi đã bỏ ra trên 100 triệu đồng đầu tư giống và xây dựng hệ thống tưới phun mưa, tưới cho vườn cây. Qua quá trình lao động, chăm sóc vất vả thì vụ mãng cầu vừa rồi gia đình tôi đã thu lãi trên 40 triệu đồng.

“Trước đây, nhà tôi trồng ngô hiệu quả kinh tế không cao, quanh năm thiếu đói, vất vả vô cùng. Được sự hỗ trợ của UBND xã Phước Thành nên tôi quyết định chuyển diện tích đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Nhờ hai vợ chồng chăm chỉ chăm sóc và chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong trồng trọt nên kết quả ban đầu khá thuận lợi. Được như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn các cấp lãnh đạo địa phương đã có chủ trương đúng, để bà con sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao”, ông Tùng phấn khởi chia sẻ.

Những năm gần đây, nhờ thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hợp lý và áp dụng cách làm sáng tạo cùng với tinh thần vượt khó trong sản xuất đã giúp nhiều hộ dân, nhất là gia đình đồng bào DTTS xã Phước Thành có thu nhập cao, vươn lên làm giàu.

Ông Chamaléa Nhiên (người đồng bào Raglai), Chủ tịch UBND xã Phước Thành, nhìn nhận: Thời gian qua, việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhiều vùng đất gò đồi trước đây của đồng bào DTTS Raglai chỉ trồng những loại cây ngắn ngày như bắp, đậu… hiệu quả kinh tế thấp, nhưng nay đã phủ màu xanh tươi tốt của các loại cây ăn quả có thu nhập cao. Do đó, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, có nhà còn mua được ô tô.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng các mô hình phát triển cây ăn quả, phủ kín các vùng đồi núi trọc, chống xói lở và tăng nguồn thu nhập cho bà con”, ông Chamaléa Nhiên nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm