Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Địa phương nào để tiêu cực trục lợi là có tội với dân

Phương Anh

Thứ tư, 07/07/2021 - 22:36

(Thanh tra)- Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, đến giờ này người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đặc biệt là lao động tự do, lực lượng lao động trực tiếp. Do vậy các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai sớm để quyền lợi đến với người lao động. Địa phương nào để tiêu cực trục lợi là có tội với dân.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: PV

Chiều 7/7, Bộ LĐTB&XH đã họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ) để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

“Chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào mà "táo bạo" như lần này. Tất cả mục đích vì người lao động, chủ sử dụng lao động”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Người đứng đầu Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, mục tiêu của gói chính sách 26.000 tỷ là cắt giảm tối đa thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian để người lao động và người sử dụng tiếp cận nhanh chóng, nhưng đúng luật.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, chính sách mới tiết kiệm thời gian, giảm thời gian hỗ trợ từ 1 tháng 10 ngày xuống còn tối đa 7 ngày, trong đó 4 ngày giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân vay cấp vốn. Trong khi đó, thủ tục vay vốn của doanh nghiệp cũng sẽ được giải quyết trong 10 ngày, thay vì 12 ngày như trước đây.

“Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng thủ tục chặt chẽ, yêu cầu chứng minh tài chính, mất từ 10 ngày đến gần một tháng để giải quyết thì nay ngành Lao động hướng dẫn rút ngắn quy trình”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 còn bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với trường hợp F0 và F1.

Ngoài ra, chính sách mới quy định hỗ trợ với những đối tượng như đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch.

Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Internet

Về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, quyết định 23 đã nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/NQ-CP trước đây là 3 tháng. Thủ tục đơn giản hơn khi thay vì phải qua hai bước là cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan Bảo hiểm xã hội thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là Bảo hiểm xã hội. Thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) xuống còn 5 ngày. Hồ sơ đơn giản hoá rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).

Về hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương có mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ nghị quyết số 42/NQ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ. Bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP, trình tự thủ tục thực hiện chính sách này xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đến giờ này người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đặc biệt là lao động tự do, lực lượng lao động trực tiếp. Do vậy các bộ ban ngành, địa phương triển khai sớm để quyền lợi đến với người lao động. Địa phương nào để tiêu cực trục lợi là có tội với dân.

“Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này tấn công vào khu công nghiệp, khu chế xuất và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Do đó, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ cũng truyền thông điệp Chính phủ luôn hướng về người dân, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm