Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để lao động không còn là bài toán khó cho doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh

Thứ tư, 31/08/2022 - 11:00

(Thanh tra)- Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức tư vấn độc lập, ở thời điểm từ nay đến cuối năm, khá nhiều doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề lớn vì thiếu hụt lao động. Đặc biệt là lao động chất lượng, có trình độ chuyên môn và tay nghề cao; thậm chí là áp lực bỏ việc của đội ngũ lao động có thâm niên từng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, sau đại dịch COVID-19 đến nay, do sản xuất ngừng trệ, lao động nghỉ việc nhiều nên các doanh nghiệp thành viên đang nỗ lực ổn định sản xuất kinh doanh và làm việc với các đối tác cũ để nối lại hợp đồng.

Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu lao động, dẫn tới sản xuất bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ với việc đảm bảo hàng hóa cho xuất khẩu. Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng đã thảo luận và tìm giải pháp tổng thể cho vấn đề lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư vào đào tạo để tự nâng chất cho đội ngũ lao động hiện có của mình, thay vì chờ đợi các cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Huệ, Giám đốc tài chính của Công ty TNHH Trần Gia cho hay, là đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng thực phẩm nên giai đoạn gần cuối năm là thời kỳ phải tập trung đầu tư để đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, do thu nhập chênh lệch nên vẫn có tình trạng nhảy việc của lao động và muốn giữ chân công nhân; nhất là các kỹ thuật viên đã được đào tạo và có tay nghề thì doanh nghiệp “buộc lòng” phải tăng lương. Đây là vấn đề khá nan giải đối với nhiều doanh nghiệp chứ không riêng gì Trần Gia. Đặc biệt là khi doanh nghiệp mới ổn định sản xuất được ít ngày sau đại dịch, chưa có nhiều nguồn thu và tích lũy để bù đắp.

Hiện tại, doanh nghiệp đang kết nối với các trung tâm dạy nghề để lên kế hoạch và chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ và chất lượng cho đội ngũ lao động. Theo đó, chú trọng vào các nội dung về tin học, về kỹ năng và cách thức vận hành công nghệ, máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt sẽ được bồi dưỡng thêm về ngoại ngữ để thuận tiện hơn khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài cũng như khi tiếp cận các tài liệu, văn bản hay đơn hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, muốn được hưởng các quyền lợi về đào tạo, nâng cao trình độ thì người lao động cũng sẽ cam kết về thời gian làm việc, gắn bó lâu dài và cống hiến cho doanh nghiệp.

"Việc đầu tư cho đào tạo có thể sẽ tốn chi phí nhiều hơn so với giải pháp tăng lương, nhưng chắc chắn sẽ hữu ích hơn nhiều cho cả doanh nghiệp và người lao động; thậm chí còn đem lại ý nghĩa lâu bền và gia tăng sự gắn kết giữa lao động và chủ doanh nghiệp", bà Huệ nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia, GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ khuyến nghị, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố đem lại sức mạnh và tính bền vững cho nguồn nhân lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, việc tập trung đầu tư, phát triển mạnh mẽ đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ, có tay nghề và nghiệp vụ chuyên môn chất lượng là mối quan tâm của mọi doanh nghiệp, ở mọi quy mô và lĩnh vực ngành nghề.

"Để xây dựng được đội ngũ lao động nhiều về số lượng, tinh về trình độ, đáp ứng nhu cầu lớn và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của các doanh nghiệp, Chính phủ, các cấp ngành và địa phương nên xây dựng quy hoạch và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở từng ngành, từng địa phương, trên cơ sở thống nhất với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội", ông Hải nhấn mạnh.

Thêm nữa, phải xây dựng được quan hệ và sự tương hỗ, gắn kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, khu công nghiệp với các viện, các trường hay trung tâm đào tạo để “đặt hàng” cung cấp nhân lực tùy theo nhu cầu, đối tượng, trình độ và hình thức phù hợp. Các cơ sở đào tạo cũng cần tăng cường đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hay chuyển giao công nghệ để phục vụ cộng đồng và đáp ứng tối đa các nhu cầu về ngành nghề, trình độ, số lượng và chất lượng....

Để câu chuyện về lao động không còn là bài toán nan giải, làm khó doanh nghiệp  cũng đòi hỏi tầm nhìn và sự đổi mới tư duy của các nhà lãnh đạo. Sẽ không thể có 1 doanh nghiệp mạnh, nếu đội ngũ lao động lỏng lẻo, yếu về năng lực, thiếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đó chính là nhiệm vụ, là trách nhiệm và cũng là thể hiện tài năng của các nhà quản lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm