Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân bức xúc vì thiếu dân chủ

Thứ sáu, 24/07/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, UBND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã phê duyệt Dự án (D.A) “Cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ xã Liêm Thuận”. Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm của xã Liêm Thuận (chủ đầu tư) có biểu hiện thiếu dân chủ, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là thân nhân liệt sỹ.

Nghĩa trang còn bộn bề cát sỏi. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chủ trương đúng

Nghĩa trang liệt sỹ xã Liêm Thuận, nơi an nghỉ vĩnh hằng của 63 liệt sỹ, là con em của nhân dân xã đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là công trình thể hiện tấm lòng, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" của nhân dân xã Liêm Thuận, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ Liêm Thuận hôm nay và mai sau.

Bà Lại Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Thuận cho biết: Công trình Nghĩa trang liệt sỹ của xã đã xây dựng từ nhiều năm trước nên nhiều ngôi mộ đã bị hư hỏng, sụt lún, khuôn viên nghĩa trang bị xuống cấp. Tháng 10/2019, UBND huyện Thanh Liêm đã phê duyệt D.A cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ xã Liêm Thuận với tổng vốn đầu tư là 1.039.986.000 đồng, trong đó phần xây lắp là 877.221.000 đồng, các hạng mục sửa chữa, tôn tạo gồm: Đài tưởng niệm; mộ liệt sỹ; nền khu mộ liệt sỹ, nền đường, tượng đài, tường bao, rãnh thoát nước, cổng nghĩa trang. D.A do UBND xã Liêm Thuận làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Đức Tiến. Theo thiết kế, về phần mộ, chỉ sửa chữa, nâng cấp phần trên mộ, không tác động đến phần âm. Vật liệu xây dựng phần mộ bằng gạch ép không nung.

Ngày 19/4/2020, UBND xã Liêm Thuận chính thức làm lễ khởi công D.A. Bà Lại Thị Lan cho biết, đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã và kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ - 27/7.

Hàng chục ngôi mộ đã xây xong phần thô bằng gạch bi, nay phải khoan phá để xây lại bằng gạch chỉ đỏ. Ảnh: Nguyễn Hồng

Cách làm thiếu dân chủ 

Ông Nguyễn Trần Tuấn, cựu chiến binh, thôn Lau Chảy là thân nhân liệt sỹ, người đầu tiên phát hiện thợ xây khoan phá các ngôi mộ trong nghĩa trang. Ông Tuấn bức xúc nói: Vào cuối tháng tư, đầu tháng năm, cả khu nghĩa trang như một bãi chiến trường. Tất cả 63 ngôi mộ bị san phẳng, máy xúc múc đất, đá, san gạt bia mộ dồn ra bờ tường, cối hương bị thu gom chất đống trong nhà quản trang. Các phần mộ không một manh chiếu, tấm bạt che đậy, hài cốt các liệt sỹ ngày đêm nằm phơi mình dưới nắng mưa, ai nhìn cũng xót thương. Sau ngày khởi công D.A, các thân nhân liệt sỹ mới biết xã có D.A cải tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, họ nháo nhào vừa gào khóc vừa lần tìm phần mộ của gia đình để thắp nén nhang cho người thân mà không biết phần mộ ở đâu. Một số người quá bức xúc đã phóng xe vào trụ sở UBND xã tìm gặp lãnh đạo để hỏi nguyên cớ vì sao cho người phá nghĩa trang liệt sỹ mà không thông báo cho gia đình thân nhân liệt sỹ biết và yêu cầu xã phải dừng ngay việc khoan phá mộ liệt sỹ.

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Gừa Sông, con gái liệt sỹ Nguyễn Sỹ Quế, cầm bó hương trên tay mà không biết phần mộ của bố ở chỗ nào để thắp nén nhang. Bà Hà bức xúc nói: “Bố tôi hy sinh ở chiến trường nước bạn Lào. Sau nhiều năm đi tìm phần mộ, đầu năm 1998, gia đình mới tìm thấy mộ và đưa bố về với quê hương để con cháu hương khói. Dù còn khó khăn nhưng gia đình cùng chung tay làm cho bố ngôi "nhà mới" khang trang, đúng với ước nguyện của mẹ”.

Bà Hà cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, sửa chữa phần mộ liệt sỹ là đúng, rất cần thiết. Các gia đình thân nhân liệt sỹ rất đồng lòng và sẵn sàng đóng góp vật chất, tiền của cùng chính quyền để tu sửa phần mộ và nghĩa trang khang trang, đẹp hơn trước. Nhưng việc tu sửa, nâng cấp phần mộ của người đã khuất là việc làm mang ý nghĩa tâm linh, trọng đại của gia đình, dòng họ. Tiếc rằng chính quyền quá vô tâm với các liệt sỹ.

Anh Hoàng Đức Hạnh, thôn Chẩy, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Thái cho biết: Các gia đình thân nhân liệt sỹ chỉ bức xúc ba vấn đề. Một là: UBND xã triển khai D.A không thông báo trước cho thân nhân liệt sỹ biết. Như vậy là thiếu dân chủ. Hai là: Không đồng ý xây mộ bằng gạch bi mà phải xây bằng gạch chỉ đỏ. Ba là: Thân nhân liệt sỹ phải được kiểm tra, giám sát thi công phần mộ; những phần mộ đã phá dỡ nhưng chưa xây phải che đậy cẩn thận. Đó là những kiến nghị chính đáng của các thân nhân liệt sỹ đang an nghỉ tại Nghĩa trang xã Liêm Thuận.

Đơn vị thi công tiếp tục khoan phá phần mộ liệt sỹ đã xây bằng gạch bi để xây lại bằng gạch chỉ đỏ. Ảnh: Nguyễn Hồng

Công trình chậm tiến độ

Trao đổi với phóng viên về những bức xúc của thân nhân liệt sỹ, ông Hoàng Văn Đào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận giải thích, trước khi khởi công xây dựng D.A, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên xã không tổ chức triệu tập được các gia đình thân nhân liệt sỹ để thông báo về chủ trương, mục đích, thời gian thi công D.A. Tuy nhiên, ngày 19/5 khởi công thì ngày 17/5, tức là trước lễ khởi công... 2 ngày, xã đã ban hành thông báo gửi các trưởng thôn và cho phát trên loa truyền thanh xã về nội dung D.A để các gia đình thân nhân liệt sỹ biết.

Về phần xây mộ bằng gạch ép không nung là đúng thiết kế, song các gia đình thân nhân liệt sỹ yêu cầu xây mộ bằng gạch chỉ đỏ, UBND xã đã xin ý kiến và được UBND huyện đồng ý và thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Cùng với đó, UBND xã yêu cầu thân nhân liệt sỹ hợp tác cùng Ban Giám sát cộng đồng của xã, giám sát đơn vị thi công đến từng phần mộ của từng gia đình.

Cựu chiến binh Nguyễn Trần Tuấn, thôn Lau Chảy, bức xúc nói: “Chính quyền xã nói không đúng sự thật. Sáng ngày 19/4/2020 khởi công D.A, hôm đó là chủ nhật, khi các gia đình thân nhân liệt sỹ phản ứng thì chiều ngày 19/4, trên loa truyền thanh xã mới phát thông báo về nội dung của D.A. Các hộ không được biết, không được bàn thì làm sao lại xã hội hóa.

Bà Nguyễn Thị Hà, cựu giáo chức, nghẹn lời, nói: “Đáng lẽ làm đến đâu, phá đến đó. Đằng này chủ đầu tư cho san bằng cả 63 ngôi mộ cùng một lúc rồi bỏ chỏng trơ ra đấy. Các địa phương khác khi cải tạo, nâng cấp phần mộ liệt sỹ, những ngôi mộ đã phá nhưng chưa xây, họ dùng lá Quốc kỳ đắp lên, rất trang nghiêm”.

Bà Đỗ Thị Phượng, xóm Lau, nhà sát nghĩa trang cho biết: Chả biết có bao nhiêu cánh thợ rồi. Cánh thợ trước phá, xây xong phần thô, cánh thợ sau đến lại phá. Phá xong lại xây... Cánh thợ mới đến đang ốp đá, xây bia thì chiều hôm 17/7, hai ông cán bộ xã đến bảo đập bỏ phần bia đã xây để xây lại bằng “củng bia”. Cánh thợ vùng vằng, nói: Thiết kế làm gì có “củng bia”, rồi thu dọn đồ nghề tuyên bố “bỏ”, đi làm công trình khác. Mấy hôm nay rồi, chả thấy thợ thuyền nào đến nữa, thế này biết bao giờ mới xong “nhà mới” cho các liệt sỹ.

Tất cả 63 mộ liệt sỹ đều chưa có bát hương. Ảnh: Nguyễn Hồng

Một cán bộ UBND xã Liêm Thuận cho biết: Việc xây “củng mộ” rất cầu kỳ, cần nhiều thời gian. Một thợ lành nghề, một ngày chỉ xây được một “củng mộ”. Về kinh phí, mỗi “củng mộ” sẽ phát sinh thêm khoảng 500.000 đồng. Vị cán bộ này cũng than rằng, nếu các gia đình thân nhân liệt sỹ được biết, được bàn trước khi triển khai D.A, thì chắc chắn sẽ không xảy ra việc một ngôi mộ phải đập đi làm lại nhiều lần như hiện nay, và không gây bức xúc cho thân nhân các liệt sỹ.

Trao đổi với bà Lại Thị Lan về tiến độ thi công D.A, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Thuận cho biết: Theo thiết kế, vật liệu xây mộ là gạch bi. Nhưng khi xây gần xong phần thô thì các thân nhân liệt sỹ yêu cầu xây bằng gạch chỉ đỏ. Ban Quản lý D.A phải xin ý kiến UBND huyện về thay đổi thiết kế, sau đó lại phải phá toàn bộ những mộ đã xây bằng gạch bi để xây bằng gạch chỉ đỏ. Khi xây xong phần thô, bắt đầu ốp đá, xây bia mộ thì các hộ yêu cầu phải xây “củng bia”, không đồng ý xây bia. Xã lại phải xin ý kiến huyện. Thợ thi công lại phải đập phần bia đã xây để xây “củng bia”. Làm đi làm lại nhiều lần như vậy nên chậm tiến độ.

Bà Lan khẳng định, công trình không thể hoàn thành trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 như dự định.

CTV Nguyễn Hồng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm