Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cử tri theo dõi sát những nội dung thiết thực trong phiên chất vấn

Thứ hai, 09/11/2020 - 19:43

(Thanh tra)- Theo dõi phiên chất vấn sáng 9/11, nhiều cử tri đã bày tỏ quan tâm đến những nội dung là những vấn đề liên quan đến đời sống người dân như vấn đề môi trường, nông nghiệp, thủy sản, xây dựng hạ tầng cảng cá và khắc phục thẻ vàng IUU...

Xử lý nghiêm hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông

Giáo sư Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đại biểu tại phiên chất vấn đã nêu những vấn đề nóng của xã hội và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn rất nghiêm túc, khách quan.

Giáo sư Bùi Văn Ga quan tâm đến câu hỏi chất vấn về công tác làm sạch nước tại các sông ô nhiễm và chiến lược chọn giống cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Theo Giáo sư, hiện nay, nhiều con sông đang bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra quy định về tiêu chuẩn nước thải trước khi xả ra sông nhưng trên thực tế, việc xử lý rất tốn kém khiến nhiều đơn vị đã không đảm bảo tiêu chuẩn quy định hoặc cho xả thải trực tiếp khiến nhiều con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, Giáo sư Bùi Văn Ga mong muốn Chính phủ có những biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, thành phố, địa phương có hành vi xả nước ô nhiễm chưa qua xử lý ra sông. Đối với những con sông đã bị ô nhiễm, cơ quan quản lý cần kiểm tra, phân tích xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời để cải thiện nguồn nước.

Chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Đối với vấn đề chọn giống vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, Giáo sư Bùi Văn Ga cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp như gây xói lở, ngập mặn, hạn hán… Vì vậy, đối với những vùng bị tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ví dụ, cần chọn giống cây trồng cho vùng đất bị ngập mặn để có thể thích nghi, phát triển; ứng dụng công nghệ khoa học nhằm nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp, các giải pháp về sử dụng nước tưới, luân canh, xen canh, che phủ đất… cũng cần thực hiện đồng bộ.

Đồng ý kiến với Giáo sư Bùi Văn Ga về chất lượng buổi chất vấn, ông Cao Đình Hải (Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho rằng, các đại biểu đã phần nào nói lên ý kiến của người dân, thành viên Chính phủ trả lời trọng tâm, đi vào từng vấn đề cần giải quyết.

Hiệu quả thực hiện liên thông thủ tục hành chính

Trong các câu hỏi được đại biểu nêu tại phiên họp, ông Cao Đình Hải quan tâm đến vấn đề liên thông thủ tục hành chính và chế độ, bồi dưỡng cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường.

Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính, ông Cao Đình Hải cho biết, cách thức này đã giúp người dân rút ngắn thời gian, công sức làm thủ tục, đồng thời đảm bảo hồ sơ được giải quyết nhanh, đầy đủ, mang tính trách nhiệm cao…

Ông Hải đề xuất Chính phủ điện tử cần có sự liên thông mạnh mẽ hơn nữa, nên sử dụng cơ sở dữ liệu về dân cư áp dụng vào thủ tục hành chính để đồng bộ, đảm bảo các thông tin có sự liên kết với nhau…

Bên cạnh đó, ông Cao Đình Hải cho rằng, việc giải quyết chế độ cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường hiện nay còn chưa xứng đáng. Bởi lẽ thời gian làm việc và trách nhiệm của các cán bộ này không khác gì cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, chế độ chi trả cho đối tượng này còn rất thấp, không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu, các tổ chức sử dụng phải tính toán, hợp lý hóa, cố gắng tạo điều kiện để họ theo đuổi công việc.

Ông Hải kiến nghị, cơ quan chức năng cần hỗ trợ, bồi dưỡng phù hợp với các cán bộ không chuyên trách, cũng có thể chuyển đổi cán bộ không chuyên trách thành cán bộ chuyên trách để đảm bảo hiệu quả công việc.

Sớm triển khai dự án đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa

Cử tri tỉnh Khánh Hòa theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng đã bày tỏ sự đồng thuận cao và có nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó, vấn đề về xây dựng hạ tầng cảng cá và khắc phục thẻ vàng IUU được nhiều cử tri tỉnh Khánh Hòa quan tâm nhất. 

Cử tri Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) bày tỏ sự đồng thuận trước câu trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng đánh bắt khai thác thủy sản trên biển vẫn còn nhiều vi phạm và việc khắc phục "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cần một lộ trình dài.

Ông Hiếu cũng đồng thời nhấn mạnh ý thức của người dân trong việc khai báo, đánh bắt và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu là rất quan trọng, để gỡ "thẻ vàng" IUU. Ông cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa không có tàu cá nào vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.

Quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, cử tri Võ Văn Thông, nhân viên Trung tâm chất lượng Nông Lâm Thủy sản Vùng 3 (đặt tại Khánh Hòa) đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật lưu hành, không có loại nào chứa chất độc dioxin.

Bên cạnh đó, cử tri Võ Văn Thông cũng đề nghị để tránh trường hợp người dân thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vào việc sản xuất nông - lâm - thủy sản, mỗi thôn, tổ dân phố của xã, phường hàng quý hoặc trước mùa vụ nên tổ chức các lớp bổ trợ kiến thức về tác dụng của thuốc bảo vệ thực vật cho vật nuôi cây trồng, cách sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng thuốc. Đây là giải pháp căn cơ để các sản phẩm nông nghiệp sạch hơn, mang giá trị cao, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước lớn.

Các nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về cao tốc nối Tây Bắc cũng được các cử tri Khánh Hòa quan tâm. Cử tri Nguyễn Quốc Việt, trú tại thị xã Ninh Hòa bày tỏ mong muốn dự án đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa sớm được triển khai, bởi đây là con đường tạo động lực cho phát triển Tây Nguyên, nhằm xuất nhập khẩu hàng hóa của Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đi các nước qua cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa).

Ngoài ra, con đường này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách 203 km, theo đó hàng hóa sẽ được đưa thẳng từ Tây Nguyên xuống Cảng Nam Vân Phong và ngược lại để xuất nhập khẩu, thay vì phải xuất nhập khẩu qua khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như trước đây; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng Vân Phong.

Võ Văn Dũng - Phan Sáu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm