Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cộng đồng tôn giáo với hoạt động bảo vệ môi trường

Thái Hải

Thứ ba, 07/09/2021 - 11:46

(Thanh tra) - Sự tham gia của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường (BVMT) với nhiều mô hình sáng tạo thể hiện tinh thần, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Cộng đồng tôn giáo chung tay BVMT. Ảnh: PV

Hàng ngàn mô hình BVMT hiệu quả

Theo báo cáo kết quả Chương trình Phối hợp BVMT giai đoạn 2015-2020, đến nay, cả nước có hơn 1.000 mô hình điểm của các tôn giáo về BVMT được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: TP Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy”; tỉnh Quảng Nam có mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn.

Tại Lạng Sơn, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia vào các chương trình BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua những hoạt động phong phú, cách làm hay góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai. Các mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”, “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đối giảm nghèo và BVMT”, “Tự quản BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Đoàn kết lương giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH”, “Xây dựng chùa cảnh tịnh tiến gắn với BVMT” được triển khai, duy trì và nhân rộng thực hiện; các chức sắc tôn giáo đã phát huy được vai trò là nòng cốt trong việc tham gia tuyên truyền, vận động các tín đồ tôn giáo, các hộ gia đình ở khu dân cư tham gia vào các hoạt động BVMT góp phần xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Tại Hà Nội, từ 3 mô hình điểm cấp thành phố, nay các địa phương đã triển khai thêm nhiều mô hình BVMT, môi trường sinh thái, ứng phó với BĐKH tại các cơ sở thờ tự; vận động các tín đồ tôn giáo chung tay BVMT, cảnh quan thiên nhiên…

Tiêu biểu như mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, hạn chế đốt vàng mã” trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, hay mô hình “Tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp dưỡng chất cho đất” trên địa bàn huyện Đông Anh và Đan Phượng. Đặc biệt mô hình “Hạn chế sử dụng than tổ ong trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình” đã thật sự phát huy tác dụng.

Ngoài ra, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô xác định việc BVMT, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Do đó, Giáo hội luôn chú trọng tuyên truyền đến từng cá nhân, từng lớp học, từng nhóm sinh hoạt của các tín hữu. Mỗi nhà đều có thùng rác tái chế và rác hữu cơ được đặt trước cửa ra vào; ý thức của các tín hữu trong BVMT có sự thay đổi cơ bản.

Tại Thái Bình đã xây dựng được 8 mô hình điểm tại các cơ sở tôn giáo, 3 mô hình điểm tại các trường hạ của đạo Phật về tham gia BVMT. Các mô hình đã phát huy tốt vai trò làm điểm, là hạt nhân, nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, từng bước nhân rộng trong các cơ sở tôn giáo trong tỉnh, như: mô hình “Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH”, “Tuyến đường tự quản về BVMT” trong các xã có đông đồng bào đạo Công giáo ở huyện Tiền Hải, huyện Đông Hưng; mô hình “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp” ở các chùa thuộc huyện Vũ Thư…

Nhiều chùa đã tổ chức thành lập các tổ tự quản, các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử với thông điệp BVMT như: Nhóm thanh niên Phật tử tại chùa Từ Xuyên, chùa Keo, chùa Nguyệt Quang, chùa Quán Âm, chùa Đại Bi…

Cùng với đó là nhiều mô hình, phong trào ở khắp cả nước, như: Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp; động đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hằng tuần; giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường.

Tạo điều kiện để tín đồ các tôn giáo tham gia BVMT

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hơn 5 năm thực hiện, Chương trình Phối hợp BVMT giai đoạn 2015-2020 đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản trong nhận thức của các lãnh đạo và tổ chức tôn giáo. Ở mỗi địa phương, các nội dung của chương trình phối hợp được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”...

Cuối năm 2020, tại Hội nghị “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH”, nhiều thông điệp của các tổ chức tôn giáo được đưa ra mang ý nghĩa sâu sắc.

Phật giáo đưa ra thông điệp: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết BVMT bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình…”. Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất này trước khi quá muộn…”. Phật giáo Hòa Hảo đưa ra thông điệp: “Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải BVMT tốt đẹp, an toàn và bền vững cho cuộc sống”…

Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, ban trị sự Giáo hội Phật giáo tại các tỉnh, thành đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ban trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thị tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tăng ni, Phật tử về tầm quan trọng của việc BVMT. Tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT trong các trường hạ, khóa tu của Phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các khóa học. Nhiều chùa còn tổ chức các khóa tu, các buổi hoằng pháp cho Phật tử trong đó có nội dung về BVMT.

Vào các dịp ngày lễ Vu lan, ngày môi trường thế giới, các chùa đã tổ chức thả cá, con giống các loại, tại các con sông, hồ, ao, đầm; phát động trồng nhiều cây xanh trong khu vực nhà chùa và nơi công cộng.

Để công việc BVMT đạt hiệu quả, theo Bộ TN&MT, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc địa phương cần căn cứ vào đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán của từng tôn giáo, từng địa phương.

Mặt khác, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện linh hoạt, chú trọng đến việc tạo điều kiện, môi trường để tín đồ của các tôn giáo phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng sự đồng lòng, nhất trí trong việc thực hiện các nội dung, giải pháp để tạo được sức mạnh chung và đạt kết quả tốt. Các tổ chức tôn giáo, chức sắc của 40 tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi BVMT cho người dân tại cộng đồng dân cư.

Mặt khác, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT cùng các cơ quan chức năng khác cần phối hợp chặt chẽ với nhau và vận động thực hiện và giám sát việc BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan.

Có thể nói, thông qua các chương trình đã khẳng định đường hướng sống “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, qua đó nhiều mô hình về BVMT trên địa bàn tỉnh, thành đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của đồng bào các tôn giáo trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm