Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Có một Pavel giữa Biển Hồ huyền thoại

CTV Mai Thắng

Chủ nhật, 26/07/2020 - 16:11

(Thanh tra)- Hồi sinh cho 7 người sống lại, vớt 87 xác người chết đuối giữa lòng hồ sâu. Suốt 40 năm qua, ông Quách Trọng Hoan thầm lặng làm việc nghĩa bằng lương tâm và tình người mà không hề mưu cầu tư lợi.

Ông Quách Trọng Hoan yêu đời vui vẻ mỗi lần chèo thuyền “tuần tra” quanh Biển Hồ tìm kiếm người đuối nước. Ảnh: MT

Ông bảo: “Niềm vui nhất của tôi là vớt xác cứu người đuối nước ở Biển Hồ và làm từ thiện. Tôi không ngại khổ, ngại khó, miễn là việc đó có ích cho cộng đồng, đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình nạn nhân”. Người dân ở Gia Lai gọi ông với cái tên “Pavel giữa Biển Hồ  huyền thoại”, để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Ngần ngại chi cứu người, vớt xác

Giữa phố núi Pleiku nhộn nhịp người xe, có một ngôi nhà đơn sơ nép cạnh Biển Hồ. Ngôi nhà ấy chẳng có gì đáng giá ngoài cái bình hơi được chế lại từ bình ga cũ và bộ đồ lặn biển. “Đó là đồ nghề theo tôi mấy chục năm qua. Xưa lặn sâu 10 mét nước chẳng cần bình khí thở, nhưng giờ thì phải có nó mới lặn được”, ông Hoan xởi lởi nói với tôi như thế trước khi kể lại hành trình cứu người vớt xác của ông gần nửa thế kỷ qua.

Tách trà đặc nóng đặt giữa bàn đá. Ký ức cứu người vớt xác ùa về trong ông khi tôi hỏi “mấy chục năm cứu người vớt xác ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất không?”. “Nhiều chớ, sao mà tôi nhớ hết được. Nhưng có một chuyện thì không bao giờ quên”. Ông nhìn ra Biển Hồ, ký ức vớt xác 7 đứa trẻ ùa về trong ông.

Ông Hoan kể, 19 năm trước, vào buổi chiều mùa thu, một chiếc thuyền chở 7 học sinh đi vòng Biển Hồ ngắm cảnh thì bất ngờ gặp nạn. Cơn dông cuối chiều cùng lốc tố làm chiếc thuyền bất ngờ lật úp, 7 học sinh bị đuối nước.

“Khi tin đến tai tôi thì 7 thi thể đã chìm xuống lòng hồ sâu. Chả ngần ngại, tôi vội lấy thuyền chèo ra, lặn xuống lòng hồ vớt từng cháu đặt lên vệ rừng. Sau đó tôi bị sốt cao. Hôm sau tôi đến thì các gia đình đã đưa  thi thể các cháu đi. Tôi thương các cháu quá nên làm mâm cỗ cúng và rước linh các cháu về Đền Vạn Linh để mong các cháu được yên nghỉ”.

Ông Hoan rưng rưng nước mắt chỉ tay phía Đền Vạn Linh bảo: “Ngôi đền này tôi xây. Lỡ ai xấu số đuối nước không sống được thì tôi rước linh về đây. Bây giờ bất kể ở đâu gọi điện đến cứu người hoặc vớt xác tôi đều sẵn sàng. Nếu quá trình đi cứu người vớt xác, lỡ không may tôi qua đời, thì tôi vẫn cảm thấy việc làm của mình rất vinh hạnh. Tôi không quản ngại nhọc nhằn gian khổ, nếu công việc ấy làm đẹp cho đời”, ông chia sẻ.

Công việc lặng thầm. Ảnh: MT

Một câu chuyện khác làm tôi không kìm được xúc động. Ông Hoan kể, 5 năm trước, con gái của người bạn chiến đấu bị trượt chân đuối nước trong khi chạy chơi quanh mép Biển Hồ. Nghe tiếng kêu thất thanh “cứu cháu với, có ai không cứu cháu với” rồi tắt hẳn. “Lúc đó tôi đang ăn cơm chiều, trời nhá nhem tối. Bỏ bát cơm xuống, tôi chạy ra mép hồ thì thấy cách đó chừng hơn trăm mét có cái mũ vải. Tôi lao nhanh về phía đó. Vớt được cháu lên nó đã tím tái. Tôi hô hấp nhân tạo. Khi nó tỉnh lại tôi nhận ra nó là con gái anh K-so Hoan, Phó Giám đốc Công ty Cao su Chư Pả. Anh K-so Hoan bế con gái trên tay. Tôi và anh ấy ôm nhau khóc giữa rừng khi cơn mưa ập tới”, ông Hoan hồi tưởng lại.

Được ông Hoan cứu sống con gái mình, Phó Giám đốc Công ty Cao su Chư Pả  tặng ông Hoan một triệu đồng tỏ ý cảm ơn, nhưng ông dứt khoát từ chối. Được ông Hoan hồi sinh thoát nạn, cô gái 16 tuổi có cái tên lạ K-Sovip xin nhận ông Hoan làm cha nuôi để tỏ lòng mến mộ. Ngày lên xe hoa, trong niềm hạnh phúc,K-Sovip nhìn người cha nuôi rơi nước mắt. Cô thầm cảm ơn “ông già Biển Hồ” đã sinh ra cô lần thứ hai.

Ông Hoan dẫn tôi ra Biển Hồ - nơi có hai con thuyền hằng ngày cùng ông “tuần tra” tìm kiếm. Giọng ông chùng xuống: “Biển Hồ này chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh. Người tự tử đủ thành phần già, trẻ, gái trai. Người bế tắc chuyện tình duyên trắc trở, người nghiện hút không đường giải thoát, người nhiễm HIV. Họ kết liễu cuộc đời bằng đắm mình quên đời giữa lòng hồ này”.

“Đại sứ” của người nghèo

Ngoài cứu người vớt xác, 40 năm qua, ông Hoan thường xuyên đi vớt rác thải ở Biền Hồ và địa bàn xung quanh nơi sống. Ông cũng là “đại sứ” của những người nghèo khó ở các buôn làng xa xôi ở tỉnh Gia Lai. Hàng chục lần ông bắt xe đò vượt rừng trở lại buôn Ki Phun xã Nhơn Hòa, huyện Chư Prông - địa danh xưa kia ông chỉ huy đánh bọn Fulro đem lại bình yên cho bà con bản xứ. Đồng hành theo ông những chuyến đi đó là 10 tấn gạo, hơn 2.000 gói mì tôm, nhiều quần áo và những vật chất thiết yếu đời sống hằng ngày cho bà con.

Bình ga cũ, ông Hoan xin về làm bình hơi lặn. Ảnh: MT

“Tất cả gạo, mì, quần áo đem cho bà con đều do tôi đi vận động và bỏ tiền ra mua. Tôi tự nguyện làm việc này mục đích để san sẻ bớt khó khăn với họ chứ không phải làm để nổi tiếng gì”, ông nói.

Hỏi về cuộc sống đời thường, ông cho biết, mỗi tháng ông được trợ cấp hơn một triệu đồng từ chế độ người già mà ông vẫn gọi đó là “lương”. Nhưng vì sao ông lại có tiền mua 10 tấn gạo, mì tôm, quần áo hỗ trợ bà con nghèo khổ và liên tục hành trình đến những nơi xa cứu người, vớt xác?

“Với những nạn nhân xấu số bị đuối nước tử vong được tôi vớt lên, hoặc cứu sống ở Biển Hồ, tôi chẳng lấy của ai đồng nào cả. Có người mời tôi tô phở, có người biếu tôi một triệu tôi cũng từ chối. Tôi có tiền mua gạo, quần áo biếu bà con là tôi đi lặn thuê hàn cho thủy điện. Mỗi lần lặn hàn dưới độ sâu 30 mét, họ trả tôi 3.000 đến 4.000 đô la. Tôi lấy tiền đó đi làm từ thiện. Năm nay tôi 80 tuổi, nhưng vẫn lặn được ở độ sâu 27 - 30 mét nước là thường”, ông Hoan nói.

"Ai cần gọi tôi"

Trên cánh cửa của căn phòng giản dị là tấm bảng nhỏ ghi “ai cần gọi tôi” và số điện thoại 0949109455. Đây là thông tin mà ai cần ông đều có thể gọi bất cứ lúc nào. “Vì tôi thường xuyên đi cứu người vớt xác ở nhiều nơi khác nữa, nên để tiện lợi tôi ghi số điện thoại này. Bất cứ ngày hay đêm tối, ai cần cứ gọi, tôi sẵn sàng cứu giúp, dù ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương hay tận nơi nào đó xa xôi hơn”, ông Hoan phân trần.

Để thuận lợi, ông ghi số điện thoại trước cánh cửa để ai cần sẽ gọi ông. Ảnh: MT

Ông Hoan kể: Có lần ông đến tận Sông Mê Kông vớt xác. Vừa đến nơi thì điện thoại reo. Giọng người phụ nữ khóc nghẹn: “Xin cứu con tôi với ông ơi. Nó bỏ đi cả tuần nay. Bạn nó nói, nó ra Biển Hồ”. “Hai ngày sau xong việc, tôi tức tốc quay về. Khi vớt được xác cháu bé lên, thịt đã bắt đầu phân huỷ. Bà mẹ ngất ngay cạnh xác con, còn ông bố chạy quanh hồ kêu gào tên con gái”, ông Hoan hồi tưởng lại.

Một trường hợp khác, 5 năm trước, ông Hoan vừa chợp mắt sau cả đêm thức trắng cứu bé gái 11 tuổi đuối nước ở Biển Hồ trở về thì một người dân gọi diện báo: “Ông Hoan ơi, ông đến Thuỷ Điện Yaly đi, có hai xác người ở đó”.

“Tôi bật dậy, leo lên xe máy tức tốc chạy đến Thác Yaly (xã Yaly, huyện Chư Păh). Từ xa thấy hai “cột khói” cao chừng hơn chục mét, mùi hôi thối nồng nặc cả cánh rừng. Tôi đến gần thì “hai cột khói” ấy là ruồi nhặng bâu đặc kín. Tôi mặc áo mưa, đeo khẩu trang đưa tay vào giữa lầy nhầy hàng triệu dòi bọ. Toàn bộ tim, gan, ruột, thịt đã bị ruồi bọ ăn hết. Phần đầu của xác cũng bị “gặm” nham nhở. Tôi múc nước rửa xương và phần thịt còn sót lại rồi đem chôn cạnh lòng hồ. Do thi thể thối rữa lâu ngày nên không biết danh tính nạn nhân. Hai năm sau, gia đình nạn nhân tìm đến xác định hai xác người đó là người thân của họ. Tôi đưa họ đến, nhưng hai ngôi mộ ấy đã bị vùi lấp dưới lòng hồ sâu do công trình hồ mở rộng xây bờ kè. Người nhà chỉ biết đứng trên bờ gào khóc gọi tên con. Vụ đó làm nhiều đêm tôi không ngủ. Giá mà lúc họ bị đuối nước, tôi biết và có mặt kịp thời”, mắt rưng rưng, ông Hoan nhìn ra Biển Hồ như dằn vặt lòng mình.

Nắm chặt tay tôi phút chia tay, ông bảo: “Anh đừng viết về tôi. Ai ở Biển Hồ này gặp người đuối nước đều làm như vậy”. Nhìn sâu vào mắt ông, tôi chợt nhận ra trước mắt mình là một Pavel - một Pavel mang dòng máu Việt giữa Biển Hồ huyền thoại.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm