Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động và phụ nữ yếu thế đã được đảm bảo

Phương Anh

Thứ năm, 22/08/2024 - 13:49

(Thanh tra)- Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế đã được ban hành, nguồn lực thực hiện được đảm bảo trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác có nội dung về đào tạo nghề.

Theo Bộ LĐTB&XH, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế đã được ban hành, nguồn lực thực hiện được đảm bảo. Ảnh minh hoạ: Internet

Ngày 22/8, Bộ LĐTB&XH cho biết nhận được nội dung của cử tri huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, kiến nghị có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho đối tượng phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân... không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời quan tâm tạo việc làm cho lao động sau đào tạo nghề.

Trả lời kiến nghị của cử tri về nội dung này, Bộ LĐTB&XH cho biết, trong 10 năm gần đây, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và các văn bản chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp về việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động nói chung, phụ nữ yếu thế nói riêng (phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân... không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo) có kỹ năng nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động, cụ thể, như: Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có đối tượng là lao động nữ (phụ nữ là người khuyết tật, phụ nữ đơn thân...), lao động nông thôn, người khuyết tật.

Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện, trong đó có phụ nữ yếu thế.

Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung về đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó phụ nữ yếu thế, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo nghề chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và thu nhập của người học, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, trong đó có phụ nữ yếu thế, Bộ LĐTB&XH đang hoàn thiện Dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn đến năm 2030” trình Chính phủ ban hành trong năm 2024.

“Như vậy, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động là phụ nữ yếu thế đã được ban hành, nguồn lực thực hiện được đảm bảo trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác có nội dung về đào tạo nghề”, Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, trên cơ sở Luật Việc làm năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tạo việc làm nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ, lao động sau đào tạo nghề (chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm lao động yếu thế; chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển tổ chức dịch vụ việc làm để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, phát triển hệ thống thông thị trường lao động; chính sách về bảo hiểm thất nghiệp...).

Đối với chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Luật Việc làm năm 2013 và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP' (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2019/NĐ- CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ) đã quy định đối tượng vay vốn gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; người lao động (không phân biệt thuộc hay không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tình trạng hôn nhân...), trong đó lao động là người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn.

Theo thống kê, tính đến tháng 3/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt trên 94.513 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khoảng 4.539 tỷ đồng; nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động khoảng 54.332 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 35.642 tỷ đồng), góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động mỗi năm (lao động nông thôn chiếm khoảng 90%; lao động nữ chiếm khoảng 55%; lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10%; lao động là người khuyết tật chiếm khoảng 05%).

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 9/2024). Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về hỗ trợ tạo việc làm nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm nói riêng, hướng tới hỗ trợ các đối tượng lao động có nhu cầu, nhất là lao động nữ yếu thế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm