Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong thời kỳ dịch COVID-19

PV

Thứ năm, 21/10/2021 - 20:58

(Thanh tra)- Trong giai đoạn dịch bệnh, sức khỏe của người cao tuổi cần được quan tâm hơn bao giờ hết, bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch. Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa dịch COVID-19 giúp người cao tuổi phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh và giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần do dịch bệnh gây ra.

Nhiều địa phương ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 65 tuổi trở lên tại các trung tâm y tế, các bệnh viện với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu. Ảnh: PV

Nhóm người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do sức đề kháng kém và thường kèm theo nhiều bệnh mạn tính (cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…), khi mắc bệnh dễ bị nặng, khó hồi phục. Do đó, ngoài các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y Tế (5 K + Vaccine) người cao tuổi cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, duy trì ăn uống khoa học, hợp vệ sinh giúp tăng sức đề kháng để phòng chống bệnh COVID-19.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam gồm nhóm trên 60 tuổi mắc trung bình 2,6 bệnh lý nền; nhóm người trên 80 tuổi mắc 6,8 bệnh lý nền. Do vậy đây là đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch và nguy cơ nhiễm COVID-19 là rất cao. Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa dịch COVID-19 là việc làm cần thiết giúp người già tránh được nguy cơ mắc bệnh cũng như khỏe mạnh, lạc quan hơn trong mùa dịch.

Hiện nước ta có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn họ mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…

Do mắc các bệnh lý nền nên sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, nếu người cao tuổi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm thúc đẩy các bệnh mạn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp, dẫn đến bệnh nhân rất dễ tử vong.

Để chủ động phòng bệnh cho người cao tuổi, vừa qua, các địa phương nhất là các điểm nóng dịch như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 65 tuổi trở lên tại các trung tâm y tế, các bệnh viện với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu; được tiêm loại vắc xin có chỉ định phù hợp.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), ở người cao tuổi thường có sự giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ xương, cơ tim. Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật. Việc tập  luyện có những lợi ích lớn cho sức khỏe, mang lại sức mạnh về tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng, do vậy người  cao tuổi  đừng quên tập thể dục ngay cả khi không thể ra ngoài.

Còn theo tài liệu Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Bộ Y tế, có rất nhiều bài tập dễ thực hiện, thuận tiện và không tốn kém cho người cao tuổi như

- Nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7-15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 hiệp

- Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn;

- Các bài tập duy trì sức bền: đạp xe lực kế, bước tại chỗ; Các bài tập thăng bằng: đứng mũi chân chạm gót, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân hoặc tập thái cực quyền… Tập duy trì 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần đối với tập sức bền (đạp xe, đi bộ).

- Tập hít thở theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm nâng cao sức khỏe của phổi, tăng cường sự trao đổi chất và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng phòng bệnh COVID-19, người cao tuổi cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ (năng lượng), cân đối các chất dinh dưỡng, đa dạng các món ăn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong chế độ ăn cần đủ chất đạm từ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt lợn, thịt gà, cá, tôm, trứng, các loại đậu đỗ như đậu tương (đậu nành), đỗ xanh, đỗ đen... Với những người gầy, không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, nên ăn nhiều bữa và uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày. Do khả năng tiêu hóa và hấp thu của người cao tuổi kém nên cần ăn nhiều bữa, ngoài 3 bữa chính (sáng, trưa, tối), nên ăn thêm các bữa ăn phụ như: sữa, sữa chua, hoa quả…

Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người  xung quanh, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm qua những hoạt động chăm sóc cụ thể, phù hợp. Ngoài những yếu tố rất quan trọng là dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, được kiểm tra sức khỏe định kỳ, được an toàn… thì người cao tuổi cần được quan tâm chế độ vận động để giúp họ có một cuộc sống có chất lượng, mạnh khỏe, thoải mái về thể chất và tinh thần.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm