Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảnh giác là “áo giáp” hữu hiệu đối phó với nạn lừa đảo trên mạng

Q. Đông

Thứ tư, 27/04/2022 - 11:44

(Thanh tra) - Trước sự gia tăng các phi vụ lừa đảo qua mạng internet trong thời gian qua, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, không ham đầu tư hứa hẹn trả hoa hồng cao, và tăng cường bảo mật các tài khoản giao dịch trên không gian mạng.

Đã có nhiều người bị lừa với chiêu trò tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online, nhận hoa hồng cao. Ảnh: BA

Cảnh báo nhiều nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy lừa

Tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong dư luận xã hội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đang tập trung đấu tranh với những thủ đoạn mới của tội phạm.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, ngoài các thủ đoạn lừa đảo “truyền thống” như giả danh cán bộ Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa đảo xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án… hiện nay, các đối tượng đang lợi dụng không gian mạng internet để tiếp cận nạn nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng. Trong đó, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, đánh cắp các tài khoản giap dịch chứng khoán diễn biến phức tạp.

Đơn cử, ngày 21/4, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố Nguyễn Trần Minh Hòa (SN 1995, thường trú tại tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nhận được trình báo về việc tài khoản chứng khoán của một khách hàng bị truy cập trái phép và bị chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng. Sau một thời gian điều tra, ngày 20/3, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Long bắt được Nguyễn Trần Minh Hòa.

Tại cơ quan công an, Hòa khai nhận, đầu năm 2022, phát hiện một diễn đàn về chứng khoán có lỗi SQL Injection (là lỗi về cơ sở dữ liệu khiến trang web có thể bị chiếm đoạt dữ liệu người dùng) nên đã xâm nhập trái phép, thu thập được hơn 100.000 tài khoản và mật khẩu người dùng.

Lợi dụng việc ngân hàng cho mở tài khoản trực tuyến chỉ cần chứng minh nhân dân, không cần phải trực tiếp đến chi nhánh, đối tượng làm giả giấy tờ để mở tài khoản ngân hàng trùng tên với tài khoản chứng khoán chiếm đoạt được, liên kết tài khoản ngân hàng làm giả với tài khoản chứng khoán và rút tiền từ tài khoản chứng khoán... Sau đó, Hòa sử dụng 3,4 tỷ đồng chiếm đoạt được trong tài khoản ngân hàng giả mạo mua tiền kỹ thuật số rồi bán đi để lấy tiền mặt về tài khoản cá nhân. Thủ đoạn của Hòa được đánh giá là hết sức tinh vi, đối tượng hiểu biết về công nghệ mạng để thực hiện các hành vi xóa dấu vết hòng che đậy hành vi phạm tội.

Cũng trong tháng 4/2022, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP Hà Nội và công an nhiều địa phương triệt phá băng nhóm do Lê Thị Phi Nga (SN 1971; trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu sử dụng mạng xã hội đánh cắp thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của người dân, sau đó làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân để lấy mã OTP, chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản của ngân hàng khác để chiếm đoạt. Đến nay, cơ quan công an nhận định, băng nhóm của Nga đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân...

Hay như trong ngày 18/4, các đơn vị của Công an TP Hà Nội tiếp hai tin trình báo của người dân là anh P. (SN 1998; ở tỉnh Hà Nam) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an, thông báo vi phạm giao thông, liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền.

Để xác định anh P. không liên quan đến các vụ việc trên, đối tượng yêu cầu phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, anh P phát hiện mình bị lừa và đến Công an phường Quan Hoa, Cầu Giấy trình báo.

Còn với chị T. (SN 1995; ở quận Long Biên, Hà Nội) có lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online với mức chiết khấu hoa hồng cao nên đã tham gia. Ban đầu, chị T. đã thanh toán nhiều đơn hàng có giá trị thấp và nhận đủ cả tiền gốc lẫn hoa hồng.

Đến lần thứ ba, chị T. chuyển 312 triệu đồng thì các đối tượng thông báo cần phải làm thêm giao dịch trị giá 450 triệu đồng mới được rút toàn bộ số tiền. Sau đó, chị T. có nói chuyện với gia đình và được khuyên can nên đã đến Công an phường Giang Biên, quận Long Biên trình báo sự việc.

Chủ động cập nhật thông tin, tự nâng cao tinh thần cảnh giác

Trước sự gia tăng lừa đảo qua internet trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bà Trương Mai Phương, chuyên viên Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính khuyến cáo, người dân và các nhà đầu tư cần phải tăng cường bảo mật tài khoản internet banking, tài khoản trên các sàn giao dịch chứng khoán, ví điện tử...

Các tài khoản này nên sử dụng mật khẩu mạnh (gồm nhiều số, chữ, ký hiệu), riêng biệt với các tài khoản mạng xã hội, diễn đàn và thường xuyên thay đổi mật khẩu định kỳ theo khuyến cáo của đơn vị quản lý.

“Chuyên viên các công ty tài chính, chứng khoán, phòng giao dịch ngân hàng cần có ý thức bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện các giao dịch. Điện thoại di động, máy tính cá nhân cần sử dụng chế độ bảo mật nhiều lớp. Không truy cập các đường link lạ, tải và sử dụng các ứng dụng không rõ nguồn gốc” - bà Trương Mai Phương nhấn mạnh.

Theo Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội: Điều quan trọng là chính người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án thì không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... khi chưa xác minh được nhân thân của người gọi. Đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định.

Để phòng tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Qua các sự việc nêu trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm