Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần giải tán chợ tạm giữa lòng Khu Công nghiệp Lễ Môn

Thứ sáu, 03/04/2020 - 16:04

(Thanh tra) – Một khu chợ tạm ở Khu Công Nghiệp Lễ Môn, thuộc địa bàn phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa rất mất mỹ quan, không bảo đảm an toàn về giao thông, phòng chống cháy nổ, rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng ngày có hàng nghìn công nhân tham gia mua bán.

Chợ tạm nằm trong lòng Khu Công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: VTT

Mất vệ sinh môi trường

Trong lúc cả tỉnh Thanh Hóa đang gồng mình chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP Thanh Hóa cũng đã huy động lực lượng chức năng giải tỏa, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để tránh nguồn lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thế nhưng, giữa lòng Khu Công nghiệp Lễ Môn vẫn tồn tại một chợ tạm bất hợp lý ngay giữa bãi gửi xe máy của hàng nghìn công nhân thuộc các công ty trong khu công nghiệp.

Khu đất này không phải là đất quy hoạch chợ mà là đất cây xanh Khu Công nghiệp Lễ Môn, thuộc phường Quảng Hưng, được giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quản lý.

Việc chợ tạm này hoạt động trong nhiều năm qua đã làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, khiến người dân địa phương rất bất an.

Xe máy của công nhân dựng khắp khu vực chợ tạm để mua hàng. Ảnh: VT

Đặc biệt, trong những ngày này cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang rốt ráo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có cả biện pháp cách ly toàn xã hội thì hằng ngày ở giữa Khu Công nghiệp Lễ Môn, chợ cóc, chợ tạm hoạt động nhộn nhịp, không đúng vị trí quy hoạch, xả rác thải bừa bãi, ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ kinh doanh vãng lai còn hoạt động tràn ra đường Bạch Đằng, gây tắc nghẽn, mất toàn toàn giao thông.

Chợ tạm được đưa cả xe lẫn người vào mua hàng. Ảnh: VT

Chợ tạm này hoạt động nhộn nhịp nhất vào buổi sáng khoảng 6 - 7 giờ, buổi chiều 5 - 7 giờ 30 phút. Từng đoàn công nhân kéo đến gây ùn tắc, hàng chục xe đẩy lưu động bán xôi, bánh mỳ, bánh bao, quần áo, thịt, hoa quả... chật kín đường.

“Đã là khu gửi xe cho công nhân mà còn kết hợp làm chợ tạm thế này là không phù hợp. Khu này không chỉ tắc đường vào buổi sáng, buổi chiều mà còn rất mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy cơ tiềm ẩn nhiều nguồn lây bệnh vì rác thải bị vứt bừa bãi, nước sinh hoạt hằng ngày chảy tràn làn ra hệ thống tiêu thoát nước xung quanh gây mùi hôi thối rất khó chịu”, một người dân bức xúc nói.

Không có hệ thống phòng cháy

Đáng nói, chợ tạm trong lòng Khu Công nghiệp Lễ Môn này không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong khi, hàng nghìn xe máy của công nhân được gửi tại đây.

Chị Lê Thị Liên, một người dân ở phường Quảng Hưng cho hay: Chính những công nhân dừng xe máy mua đồ ăn, đứng ăn ngay trong chợ hoặc dưới lòng đường cũng làm tắc nghẽn giao thông qua lại. Nhiều công nhân bị cản trở trong việc đưa xe vào bãi gửi, thậm chí chậm giờ làm, bị trừ tiền vào lương hằng tháng do thời gian đi qua chợ tạm kéo dài.

Chợ họp chẳng theo quy củ nào, mạnh ai người đó đi xe vào họp. Ảnh: VT

“Việc buôn bán để mưu sinh của nhân dân là chính đáng, cần thiết, song chợ phải theo quy hoạch, có sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, nơi buôn bán phải văn minh lịch sự, thực hiện đúng các tiêu chí của Nhà nước đề ra. Rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm giải tỏa chợ tạm này, đưa các hộ kinh doanh vào hoạt động ở các chợ chính đã được quy hoạch, xây dựng theo đúng quy chuẩn”, chị Liên kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng cho biết: Đúng là trên địa bàn phường có một chợ tạm ở giữa lòng Khu Công nghiệp Lễ Môn. Chợ này là hậu quả của chợ cóc trên đường Bạch Đằng, khi giải tán không có nơi sắp xếp cho các hộ kinh doanh, công nhân mua bán mỗi khi tan ca về. Khu vực này không có quy hoạch chợ chính mà là đất cây xanh của Khu Công nghiệp Lễ Môn. Do đó, việc tỉnh bố trí chợ tạm ở đây không hợp lý vì vừa là nơi được bố trí gửi xe của công nhân vừa kết hợp với chợ tạm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chúng tôi cũng vừa làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh tế Hạ tầng, đơn vị được giao quản lý chợ tạm để kiểm tra tình hình thực tế ở đây.

Qua kiểm tra thì chợ tạm không có hệ thống phòng cháy chữa cháy; lượng rác xung quanh chợ nhiều, quét dọn không sạch; nước sinh hoạt trong chợ chảy ra hệ thống tiêu thoát nước xung quanh gây mùi hôi; đơn vị quản lý chợ không kiểm soát, thống kê được các hộ kinh doanh vãng lai.

Hàng nghìn công nhân gửi tại đây, nếu xảy ra cháy nổ không biết hậu quả sẽ như thế nào. Ảnh: VT

“Nếu việc khai thác không đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, đề nghị cấp trên giải thể chợ tạm đưa các tiểu thương vào chợ Quảng Hưng vừa được xây dựng mới để hoạt động cho đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, cán bộ địa chính xây dựng phường Quảng Hưng đề xuất trong buổi làm việc này.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm