Theo dõi Báo Thanh tra trên
Minh Ngọc
Thứ năm, 06/10/2022 - 10:39
(Thanh tra)- Thái Nguyên vốn được coi là tỉnh cửa ngõ để thông thương nối lên “Chiến khu gió ngàn” một thời như Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Trước đây, khi đi trên những con đường liên thôn, liên xã, liên huyện của tỉnh Thái Nguyên không khó để bắt gặp hình ảnh bà con dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật về giao thông. Tuy nhiên, bằng việc đưa luật cùng thông tư, chỉ thị vào cuộc sống mà hiện tượng này đã giảm đáng kể.
Lãnh đạo địa phương và công an thường xuyên tuyên truyền về Luật Giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hồn nhiên vi phạm
Hiện nay, đời sống của người dân ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã khá lên nhiều so với trước đây. Do đó, hầu như các hộ dân đều mua được xe máy để có phương tiện đi lại. Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế.
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên), 9 tháng năm 2022, qua công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị phát hiện gần 10.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 8.600 trường hợp vi phạm; tước giấy phép lái xe 1.400 trường hợp; tạm giữ hàng nghìn phương tiện giao thông các loại; phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số người vi phạm, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ không hề nhỏ.
Tỉnh Thái Nguyên với gần 30% dân số toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao là Võ Nhai, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Trước đây, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phức tạp, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tình trạng người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu, bia khi điều khiển mô tô, xe máy vẫn diễn ra thường xuyên.
Nhiều vụ uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe, không đội mũ bảo hiểm đã gây tai nạn nghiêm trọng. Chồng mất, vợ bị thương để lại đàn con thơ bơ vơ không nơi nương tựa. Cuộc sống vốn đã nghèo lại càng khốn khổ hơn.
Chị Hoàng Thị Thắm, người từng có người thân phải nằm viện điều trị dài ngày do tai nạn giao thông chia sẻ: “Bố mình cùng với bạn uống rượu say trong quán nhưng vẫn đi xe về và đã lao đầu vào ô tô tải. Rất may không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng đến nay di chứng do chấn thương sọ não vẫn còn rất nặng. Từ chỗ là trụ cột kinh tế của gia đình, nay bố mình phải ở nhà vì sức khỏe yếu nên mẹ con mình phải đi làm thuê để kiếm sống”.
“Mình chỉ mong bà con hiểu biết pháp luật hơn, uống rượu bia xong đừng điều khiển phương tiện, ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Những việc này hầu như thanh niên, người già ở chỗ mình rất hay vi phạm. Đến khi hậu quả xảy đến mới biết sợ” - chị Thắm nói.
Nâng cao ý thức
So với trước đây thì hiện nay, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của bà con đã được nâng lên đáng kể. Anh Phan Đình Như, dân tộc Dao, ở xã Bình Long, huyện Võ Nhai thường xuyên sử dụng xe gắn máy để đi lại. Trước khi lên xe máy, dù đi xa hay gần, anh Như đều chuẩn bị đầy đủ mũ bảo hiểm, giấy tờ có liên quan đến phương tiện. Anh Như chia sẻ: “Tôi đi làm ở khu công nghiệp, ngày nào cũng tham gia giao thông, cho nên giấy tờ bao giờ cũng phải đầy đủ, chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông thì sẽ hạn chế được rủi ro tai nạn.
Đại úy Dương Hồng Việt, Trưởng Công an xã Dân Tiến, Võ Nhai cho biết: “Để nâng cao ý thức chấp hành về Luật Giao thông đường bộ, trong thời gian tới, Công an xã sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân các quy định về Luật Giao thông đường bộ”.
Những năm qua, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Võ Nhai đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến tất cả các xã, xóm trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông thông qua các hội nghị ở xã, xóm, tổ chức đoàn thể.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng những hình ảnh, video sinh động, dễ hiểu, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc; tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức ra quân tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Giao thông đường bộ. Với việc tích cực phối hợp tuyên truyền, cách giải thích dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp bà con dân tộc thiểu số từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Cũng như đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Võ Nhai, những năm gần đây, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Định Hóa về chấp hành Luật Giao thông đường bộ đã được nâng lên đáng kể. Có được kết quả này là do Công an huyện Định Hóa đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền và thu hút nhiều người dân tham gia. Bà con không chỉ tiếp cận với những hình ảnh sinh động về các quy định bắt buộc cần nắm vững khi tham gia giao thông, cách phòng ngừa tai nạn giao thông, mà cán bộ cảnh sát giao thông, Công an huyện Định Hóa còn trực tiếp nói chuyện chuyên đề liên quan đến Luật Giao thông đường bộ.
Ông Nông Văn Thủy, Trưởng xóm Phú Ninh, Phú Đình, Định Hóa chia sẻ: “Được sự tuyên truyền tại cơ sở, chúng tôi thấy được ý nghĩa lớn lao đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số”.
Để tăng cường hơn nữa kiến thức pháp luật về giao thông cho bà con, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các huyện trên địa bàn tỉnh đã phải đến từng thôn, xóm để tổ chức vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức cho người dân học Luật Giao thông đường bộ, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thượng úy Đỗ Duy Nam, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Định Hóa thông tin rằng: “Huyện vùng cao miền núi Định Hóa có đến hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong thời gian vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện cũng như Ban An toàn giao thông huyện, chúng tôi đã tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với ngành liên quan tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ phòng Dân tộc các huyện, trưởng xóm và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như: Tình hình tai nạn giao thông trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông; thực trạng an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền an toàn giao thông, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được tầm quan trọng trong chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết đó thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì rất cần sự tham gia thường xuyên và tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào cuộc nghiêm túc.
Thượng tá Phạm Thế Anh, Trưởng Công an huyện Định Hóa nhấn mạnh: “Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông làm tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên để đạt hiệu quả hơn nữa thì chúng tôi cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về hành động “Đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, tăng cường thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; kiên quyết xử lý hành vi trục lợi chính sách ưu đãi người có công, chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự…
Hải Hà
15:53 25/11/2024(Thanh tra) - Thời gian qua công tác giảm nghèo ở Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Trần Trung
15:03 25/11/2024Văn Thanh
22:33 24/11/2024Lợi Châu
19:47 23/11/2024Đức Anh
19:47 23/11/2024Hương Giang
Hải Hà
Ngọc Giàu
Hương Giang
Hương Giang
Uyên Vân
Hương Trà
T.Vân
Ngọc Anh
Trần Trung
Lâm Ánh