00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo, phóng viên: Trách nhiệm và thực thi

Hoàng Hiệp – Hà Phương

Thứ hai, 09/12/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt trong điều tra và thực tế hiện trường. Các cơ quan chức năng cùng cơ quan báo chí cần phối hợp để có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người làm báo, đây là ưu tiên hàng đầu.

“Trước khi trông chờ sự hỗ trợ từ người khác, mỗi người cần tự học và phát triển bản thân”, nhà báo Trần Sơn Bách nhấn mạnh. Ảnh: NVCC

Đây là nội dung buổi tọa đàm "Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường" do Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức.

Ưu tiên an toàn của bản thân

Theo số liệu của UNESCO, từ năm 2006 - 2019 ghi nhận gần 1.000 vụ việc nhà báo bị thiệt mạng (bao gồm các trường hợp xảy ra khi nhà báo điều tra các vụ việc và những nguyên nhân khách quan), báo cáo cũng chỉ ra rằng, 85% nhà báo trên thế giới từng bị quấy rối hoặc tấn công trực tiếp, trong đó phần lớn là trong quá trình thu thập thông tin tại hiện trường. Tại Việt Nam, những vụ cản trở tác nghiệp, đe dọa và hành hung liên tục được ghi nhận và xử lý.

Trong môi trường báo chí hiện đại, người làm báo đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực và khách quan các vấn đề của xã hội. Đặc biệt, trong báo chí điều tra, họ là người tiên phong trong việc đưa những vụ việc phức tạp ra ánh sáng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự minh bạch trong quản lý xã hội. Tuy nhiên, nhà báo cũng đối diện với không ít rủi ro và thách thức, từ sự can thiệp của các bên liên quan, đến nguy cơ bị đe dọa về tính mạng và an toàn cá nhân. Hiện nay, các quy định pháp luật bảo vệ quyền tác nghiệp đã có, nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập.

Phóng viên Phạm Sỹ Công, công tác tại Báo Điện tử Dân Việt cho biết từng nhiều lần bị các đối tượng liên quan cản trở trong khi tác nghiệp, bị lăng mạ xúc phạm hay thậm chí là dọa đánh, giết sau khi loạt bài báo “phanh phui” nhiều mặt xấu của xã hội được đăng tải. Trong những tình huống này, theo anh, cơ quan chức năng cần hành động nhanh chóng để bảo vệ quyền tác nghiệp của phóng viên.

“Thực tế cho thấy rất nhiều phóng viên, nhà báo bị hành hung trong quá trình tác nghiệp. Có những vụ việc được báo chí đưa tin rầm rộ, nhưng sau đó mọi chuyện cũng trôi vào im lặng, không được xử lý triệt để. Chỉ khi xảy ra những tình huống nghiêm trọng, cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc”, phóng viên Phạm Sỹ Công cho biết.

Thực tế, mặc dù nhà báo luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, song không thể tránh khỏi có những lúc sẽ có tác động từ yếu tố bên ngoài hoặc các luồng ý kiến khác nhau khiến họ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

Theo nhà báo Trần Sơn Bách công tác tại Báo Nhân dân, nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả giữa nhà báo và người dân trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ xung đột lợi ích.

“Một bên muốn công khai thông tin, trong khi bên còn lại muốn giảm thiểu hoặc ngăn chặn việc đưa tin lên báo. Những tình huống như vậy thường xảy ra khi quyền lợi bị đụng chạm, đòi hỏi phóng viên phải có kỹ năng ứng phó tốt và luôn đảm bảo an toàn cho bản thân”, nhà báo Trần Sơn Bách chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc thiếu hiểu biết pháp luật hoặc thái độ coi thường pháp luật, dẫn đến thực tế dù biết hành vi cản trở nhà báo là sai nhưng họ vẫn cố tình thực thiện.

Từ thực tế này, mỗi nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp hiện trường cần ý thức vai trò của sự tự bảo vệ. Nhà báo Trần Sơn Bách cho biết thêm: “Việc tự bảo vệ bản thân là lớp phòng thủ đầu tiên của người làm báo. Điều này không chỉ thể hiện ở việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi lần tác nghiệp, như hiểu rõ quy định pháp luật, nắm bắt tình hình thực địa, mà còn ở khả năng giữ vững nguyên tắc nghề nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”.

Trong 15 năm làm nghề, dù chưa từng gặp trường hợp bị đánh đập hay cản trở quá mức, theo nhà báo Trần Sơn Bách, các phóng viên trẻ cần tham gia các khóa đào tạo dài hạn để học kỹ năng tác nghiệp, thực tiễn và hiểu rõ pháp luật. Nắm vững luật giúp họ áp dụng đúng và có góc nhìn tốt hơn.

Ngoài ra, các kỹ năng như xử lý tình huống khẩn cấp, giao tiếp hiệu quả với lực lượng chức năng tại hiện trường, hay sử dụng công nghệ để ghi lại bằng chứng cũng là hành trang cần thiết. Đồng thời, việc cập nhật thông tin với cơ quan chủ quản và các tổ chức hỗ trợ nhà báo cũng giúp tăng cường sự an tâm và hỗ trợ kịp thời nếu gặp phải trở ngại.

Luật sư Lê Hồng Hiển chỉ rõ theo quy định pháp luật, cơ quan báo chí cũng là đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận và chuyển đơn tố giác tội phạm. Ảnh: Hà Phương

Bảo vệ nhà báo, bảo vệ sự thật

Qua nhiều tình huống cụ thể khi phóng viên, nhà báo đối mặt với sự thiếu an toàn càng khẳng định cán cân các bên có trách nhiệm bảo vệ quyền tác nghiệp cần được duy trì.

Một là, hành lang pháp lý cần được xây dựng đủ mạnh để bảo vệ nhà báo trước các thách thức.

Theo luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), một số nội dung tác nghiệp của báo chí cần được cân nhắc xếp vào “thi hành công vụ”, tuy nhiên cần một số lưu ý: "Việc hoạt động báo chí của nhà báo có thuộc phạm vi thi hành công vụ hay không phụ thuộc vào mối quan hệ lao động giữa họ và cơ quan công vụ. Nếu nhà báo là cán bộ, công chức trong các đơn vị như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thì hoạt động này có thể được xem là công vụ”.

Hai là, cần đẩy mạnh hơn nữa nhận thức của công chúng về vai trò và quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo.

Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, khi sự tương tác giữa báo chí và công chúng ngày càng mật thiết, việc nâng cao hiểu biết của người dân không chỉ giúp họ phân biệt rõ ràng giữa thông tin chính thống và các luồng thông tin sai lệch, mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để nhà báo thực hiện công việc của mình.

Như nhà báo Trần Sơn Bách nhấn mạnh: “Để tạo được niềm tin từ người dân, nhà báo không chỉ cần sự minh bạch, trách nhiệm mà còn phải thực sự đặt lợi ích của người dân và cộng đồng lên hàng đầu. Một khi niềm tin đã được gây dựng, sự hỗ trợ và cộng tác sẽ ngày càng hiệu quả.”

Do đó, báo chí cần chú trọng xây dựng những tác phẩm trung thực, khách quan, qua đó lan tỏa những giá trị tích cực và củng cố lòng tin từ công chúng. Đồng thời, các chiến dịch truyền thông về quyền tự do báo chí, quyền bảo vệ nguồn tin và trách nhiệm cộng đồng trong việc hỗ trợ nhà báo cần được triển khai một cách bài bản. Những câu chuyện về sự hỗ trợ và bảo vệ nhà báo từ chính người dân, như các trường hợp đã được đề cập, cần được phổ biến rộng rãi để nhân rộng tinh thần trách nhiệm cộng đồng.

Ba là, sự vào cuộc ngày càng chặt chẽ của cơ quan chủ quản, Hội Nhà báo và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình bảo vệ nhà báo tác nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Các cơ quan này không chỉ chịu trách nhiệm tạo môi trường làm việc an toàn mà còn phải đứng ra bảo vệ quyền lợi, quyền tự do hành nghề của phóng viên trong các tình huống gặp khó khăn hoặc bị cản trở.

Với 10 năm kinh nghiệm tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng khẳng định: “Điều quan trọng nhất trong công tác tác nghiệp là xây dựng sự phối hợp chặt chẽ giữa phóng viên và ban biên tập ngay từ đầu. Khi lãnh đạo cơ quan có sự đồng hành xuyên suốt, phóng viên không chỉ được bảo vệ về mặt pháp lý mà còn được hỗ trợ tối đa để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt trong những đề tài nhạy cảm”.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường”, nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng công tác tại Báo Vietnamnet nhấn mạnh mối liên hệ giữa nhà báo và cơ quan chủ quản là chìa khóa an toàn hiệu quả trong nhiều tình huống tác nghiệp. Ảnh: Hà Phương

Trên thực tế, các cơ quan báo chí hiện nay đã chủ động hơn rất nhiều trong việc bảo vệ nhà báo. Các buổi tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi phóng viên hay hỗ trợ pháp lý khi gặp vấn đề đều được thực hiện thường xuyên. Sự đồng hành này giúp nhà báo yên tâm hơn khi tác nghiệp, đồng thời củng cố mối quan hệ tin cậy giữa người làm báo và lãnh đạo cơ quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Yên: Đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong dịp lễ 30/4 – 1/5

Phú Yên: Đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong dịp lễ 30/4 – 1/5

(Thanh tra) - Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an Phú Yên đã thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT dịp lễ 30/4, 1/5 cũng như nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm theo Nghị định 168 của Chính phủ.

Trần Lê

21:50 28/04/2025
Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(Thanh tra) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 5848/UBND-CNXDKH ngày 28/4/2025 về việc triển khai Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2025.

Văn Thanh

20:19 28/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm