Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

6 nền tảng công nghệ hợp lực cùng ngành Y và Truyền thông đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Giang Thân

Thứ năm, 02/09/2021 - 21:38

(Thanh tra)- Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Đỗ Công Anh cho biết, sau khi Bộ thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia (TT COVID-19) được thành lập đã tạo ra sự hợp lực mạnh mẽ giữa ngành Y tế và ngành TTTT để cùng hướng tới mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh.

Các nền tảng này đang được triển khai trên quy mô toàn quốc theo sự điều phối chung của Bộ TTTT và Bộ Y tế

Sau gần 2 tháng hoạt động, TT COVID-19 đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch dùng chung trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế; nền tảng quản lý các điểm ra vào bằng mã QR; nền tảng truy vết lây nhiễm; nền tảng quản lý cách ly; nền tảng quản lý xét nghiệm và nền tảng quản lý tiêm chủng.

Các nền tảng này đang được triển khai trên quy mô toàn quốc theo sự điều phối chung của Bộ TTTT và Bộ Y tế, và đang ngày càng tiến hoá, thông minh và hoàn thiện hơn nhờ lượng dữ liệu ngày một lớn.

Bên cạnh đó, TTCOVID-19 cũng đã tiếp nhận rất nhiều đề nghị của các doanh nghiệp công nghệ cả trong và ngoài nước muốn tham gia đóng góp các giải pháp, nền tảng công nghệ mới để hỗ trợ công tác chống dịch của Chính phủ.

Đến nay, TTCOVID-19 cũng đã thành lập rất nhiều nhóm nghiên cứu riêng với các doanh nghiệp này để thẩm định, đánh giá và đưa ra định hướng phát triển cho các giải pháp công nghệ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TTTT đã có văn bản gửi bí thư và chủ tịch của 63 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở, ban ngành quyết liệt triển khai 3 nền tảng chống dịch dùng chung toàn quốc là nền tảng kiểm soát ra vào bằng mã QR, nền tảng quản lý xét nghiệm và nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Đồng thời, thành lập tổ công nghệ phòng, chống COVID-19 của địa phương để chủ trì, điều phối việc triển khai các nền tảng trên địa bàn. 

“Người dân cũng sẽ không còn băn khoăn về việc nhiều ứng dụng thế này thì nên cài đặt và sử dụng ứng dụng nào. Giải quyết được bài toán đồng bộ dữ liệu chính là lời giải căn cơ nhất để triển khai được các nền tảng công nghệ chống dịch một cách hiệu quả”, ông Đỗ Công Anh chia sẻ.

Việc thành lập TTCOVID-19 là tiền đề để tạo nên sự phối hợp vô cùng chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ TTTT trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo mô hình hoạt động của TTCOVID-19, các thành viên Bộ Y tế sẽ căn cứ thực tiễn chống dịch để đề xuất các vấn đề, yêu cầu cụ thể cần có công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ để Bộ TTTT chỉ đạo việc tổ chức xây dựng giải pháp công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các giải pháp trong quá trình hoàn thiện và triển khai sẽ luôn nhận được sự góp ý, phản biện trực tiếp từ Bộ Y tế để đảm bảo giải pháp này đáp ứng đúng các mục tiêu và yêu cầu của công tác chống dịch.

Cũng theo ông Đỗ Công Anh, trước khi TTCOVID-19 được thành lập, Cục Tin học hóa đã chủ động thiết lập các kênh trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật đến đầu mối là các sở TTTT của 63 tỉnh, thành phố. Sau khi TTCOVID-19 được thành lập, Cục tiếp tục hướng dẫn các tỉnh thành lập các trung tâm hoặc các tổ công nghệ phòng, chống COVID-19 tại địa phương, lấy Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia làm hạt nhân để hình thành một mạng lưới công nghệ chống dịch đồng bộ và mạnh mẽ trên khắp địa bàn cả nước.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại khi mà dịch đang bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam thì gần như toàn bộ thành viên nòng cốt của TTCOVID-19 cùng với các chuyên gia kỹ thuật của các doanh nghiệp đều có mặt tại tâm dịch để trực tiếp cùng địa phương triển khai các nền tảng quan trọng, phục vụ trực tiếp cho ngành Y tế như nền tảng quản lý tiêm chủng, quản lý xét nghiệm…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm