Khách Tây, theo cách gọi truyền thống của người Việt Nam là đối tượng khách da trắng chủ yếu ở châu Âu và phương Tây. Nhóm đối tượng khách này chủ yếu theo Công giáo và Tin lành. Họ ăn Tết và nghỉ ngơi từ lễ Giáng sinh đến tận Tết Dương lịch. Đặc biệt, đây là thời điểm châu Âu và một số nước Tây bán cầu vào mùa lạnh, cho nên họ sang Việt Nam để tận hưởng sự ấm áp của thời tiết (đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Nam). Vừa tránh được rét vừa tìm hiểu được những phong tục tập quán lâu đời của người Việt, vừa khám phá thế giới tâm linh, tín ngưỡng lại kết hợp với mua sắm... Đó là lý do vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khách Tây đến Việt Nam tăng đột biến.

Đến hẹn lại lên, trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, các hãng hàng không từ châu Âu và phương Tây “mừng ra mặt” khi số lượng khách đặt vé đến Việt Nam tăng gấp 2, gấp 3 so với các tháng trong năm. Đây cũng là thời điểm các công ty du lịch lữ hành của cả Việt Nam và nước ngoài hoạt động nhộn nhịp. Ở trong nước các khu phố Tây như đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP HCM), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), đường Hùng Vương, đường Trần Quang Khải (TP Nha Trang, Khánh Hòa), khu vực Mũi Né (Bình Thuận)... các nhà hàng, khách sạn chuẩn bị đón khách. Ấn tượng nhất là khu vực phố cổ Hội An (Quảng Nam) có nhiều người Pháp, Mỹ lấy vợ Việt, lập các công ty du lịch làm nhịp cầu đón khách đến Việt Nam.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch có thâm niên phục vụ khách Tây cho biết, nhóm khách da trắng rất thích thú với Tết Việt, bởi với họ là một sự khác biệt hoàn toàn. Những nhóm đến Việt Nam vào thời điểm cận kề Tết thì họ thường ở lại TP HCM, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... Còn những khách đến trước một tuần thì họ thường đi về các làng hoa Tết Sa-Đéc, Sapa... để xem người dân chuẩn bị Tết.

Đối với khách du lịch châu Âu và phương Tây, đón năm mới ở họ khác với người Việt Nam đón năm mới theo Âm lịch. Họ nhận ra: Trước thời khắc năm mới, đã là người Việt ai cũng muốn những điều không may mắn, xui xẻo của năm cũ trôi đi, cầu cho một năm mới sức khỏe an lành, tấn tới đến với mọi người. Ngày đầu của năm mới ai cũng dễ dàng tha thứ cho nhau những va chạm. Với họ, dịp giáng sinh đến năm mới là khoảng thời gian mọi thành viên trong gia đình đều muốn được gần gũi nhau, nhưng họ không có được những suy nghĩ, tình cảm, cách thể hiện như người Việt đối với người thân đã quá cố ,thể hiện qua việc thăm mồ mả trước Tết, làm mâm cúng đón Tổ tiên chiều 30 và đưa tiễn vào các ngày sau Tết…

Rất nhiều khách Tây thích thú khi được thực hiện các công đoạn chuẩn bị mâm cỗ Tết, từ việc chọn thịt để giã giò lụa đến việc gói bánh chưng. Chiếc bánh chưng xanh của Lang Liêu đối với họ là cả một câu chuyện dài về tính nhân văn, giáo dục truyền thống biết ơn đấng sinh thành, tổ tiên, nhận thức về vũ trụ... Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ, về hình thức có 5 màu hấp dẫn. Về quan niệm thì đó là sự tượng trưng cho “ngũ hành”. Ở mỗi vùng có mỗi thứ quả đặc trưng mà nhân dân gửi vào đó nhiều khát vọng. Chẳng hạn miền Trung và miền Nam có tục thờ quả dưa hấu ruột đỏ với quan niệm mọi điều may mắn tốt đẹp sẽ đến. Miền Bắc thờ quả đu đủ với mong muốn cuộc sống sẽ được đủ đầy. Về ăn Tết ở vùng nông thôn hay thành phố, khách Tây rất thích được đi chùa, hái lộc đầu năm.

Mâm cỗ cúng Tết cũng rất được khách Tây quan tâm vì đó là những món ăn truyền thống, chỉ vào dịp Tết các gia đình mới có điều kiện thời gian làm nhiều món cho một bữa ăn. Mỗi món có một đặc thù ấn tượng riêng. Nhiều khách Tây thích ngược lên cao nguyên Trung phần để được ăn cái Tết cùng người Bana, Ê-đê, Gia-rai... hoặc lên Sapa ăn Tết ta với người H-Mông, người Dao Đỏ... Tết là dịp nhiều lễ hội văn hóa mang đặc trưng vùng miền rất được khách Tây thích thú.

Ở phương Tây cũng có tục tặng quà, nhưng tục lì xì đầu năm ở Việt Nam mang một ý niệm đặc biệt. Từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng được chúc Tết bằng một phong bao. Tuy giá trị đồng tiền trong phong bao không nhiều nhưng lại gửi gắm vào đó những lời chúc, những mong muốn tốt đẹp về sức khỏe, tiến bộ về học hành hoặc sự thăng tiến... Tập tục này ở phương Tây không có. Tết của người Việt kéo dài từ sáng ngày 30 tháng Chạp hoặc 29 (tháng thiếu) cho đến mùng 6 Tết. Tùy gia cảnh từng nhà, thời gian ăn Tết có thể rút gọn nhưng đây là khoảng thời gian rất ấn tượng với khách du lịch phương Tây.

Thế Lữ