Tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng

Tại buổi tọa đàm về “Phát triển du lịch Thái nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng”, ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, thực trạng du lịch Thái Nguyên với tiềm năng du lịch phong phú, có rất nhiều địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh, hang động có thể phát triển du lịch. Hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn vì có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên còn nhiều hạn chế, trong quá trình phát triển từ tăng trưởng đồng đều, quan trọng đến mũi nhọn phải có nhiều đột phá; hạn chế lớn nhất là không đồng bộ, đặc biệt là nguồn nhân lực; du lịch phát triển chưa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội; doanh thu còn thấp.

Còn ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, thì cho rằng, trong những năm vừa qua, sau khi Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên được tỉnh ra quyết định thành lập năm 2011 đến nay đã tổ chức các hoạt động của hiệp hội rất mạnh; có trên 400 cơ sở lưu trú, trong đó có trên 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên.

Về lữ hành du lịch có 25 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; các cơ sở nhà hàng ở Thái Nguyên phát triển rất mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân bản địa và khách du lịch đến Thái Nguyên. Mặt khác, ẩm thực của Thái Nguyên khá phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu của thực khách và phục vụ sự nghiệp chính trị của tỉnh. Với số lượng trên 2.000 phòng, buồng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của khách.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thái Nguyên đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết nhu cầu việc làm cho 3.500 lao động. Năm 2018, du lịch Thái Nguyên đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng hơn 400 tỷ đồng.

Mở hướng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng

Theo ông Trường, Thái Nguyên có nhiều ưu thế phát triển du lịch, chúng ta có những sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với nhiều địa điểm đẹp; du lịch lịch sử, tâm linh… Chè của Thái Nguyên là sản phẩm rất thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng du lịch phải tiến hành từng bước, hiện nay không chỉ có riêng doanh nghiệp trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đầu tư vào Thái Nguyên, mở hướng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Để phát triển du lịch cộng đồng, theo ông Trường cần phải tính đến nhiều khâu, đặc biệt sự tham gia của doanh nghiệp, người dân; cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có tính định hướng.

Về du lịch cộng đồng, mầu sắc để giữ bản sắc, công tác maketing, thu hút khách còn hạn chế, thời gian khách ở lại còn ngắn. Du khách cần có sự trải nghiệm, có sản phẩm du lịch, tạo nguồn thu cho du lịch… nhưng điều này chưa thực hiện được.

Để phát triển du lịch cộng đồng, cần phải sâu sát hơn với người dân, tuyên truyền để người dân chủ động tham gia làm du lịch. Do đó, ông Trường nhận định, du lịch cộng đồng thì cần cả cộng đồng phải vào cuộc để khách hàng trải nghiệm.

Muốn làm được điều đó, ông Trường cho rằng, cần hỗ trợ cho người dân có kiến thức sâu hơn, có kỹ năng làm du lịch; cần quy hoạch, kiến trúc khu thăm quan cho khách trải nghiệm, mua sắm. Ví dụ như ở vùng chè Tân Cương, ở làng khu dịch cộng đồng rất thiếu không gian đón tiếp, trưng bày, trải nghiệm làm một người nông dân trong thời gian một ngày cho đoàn khách đông. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ để phục vụ cho khách quốc tế còn hạn chế; cách quảng bá, bán hàng chưa được chuyên nghiệp.

Các hộ gia đình, người trực tiếp thụ hưởng và trực tiếp cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch phải cải tiến, mạnh dạn đầu tư, phải coi mình thực sự là doanh nghiệp thì du lịch của chúng ta mới phát triển được.

Mặt khác, Thái Nguyên có điểm du lịch cộng đồng như Làng văn hóa du lịch Bản Quyên (Định Hóa), có làn điệu Tắc Xình ở huyện Phú Lương và nhiều sản phẩm du lịch có giá trị khác. Để phát huy những giá trị này điểm thuận lợi là chúng ta giữ được bản sắc đó.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp thiết yếu.

Về nguồn nhân lực du lịch, Thái Nguyên có hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đào tạo rất nhiều học sinh học về chuyên ngành du lịch, đó là thuận lợi.

Nhưng, nguồn nhân lực không phải là thiếu mà tính chuyên nghiệp hóa chưa cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp nhỏ và vừa làm du lịch còn khó khăn, bởi nguồn nhân lực này chưa được ổn định.

“Theo chúng tôi các doanh nghiệp lớn cần nâng cao tính chuyên nghiệp hơn, để khách du lịch được hưởng sự phục vụ chuyên nghiệp hơn”, vị này nói.

Ngoài ra, người lao động rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch thì lao động trực tiếp là cơ bản. Hiệp hội đã ký kết, kết nạp các hội viên là các khoa, trường đào tạo về du lịch; ký kết các biên bản ghi nhớ để nhận sinh viên thực tế và sinh viên tốt nghiệp làm việc tại Thái Nguyên.

Mặt khác, cần có những chuyên đề, ví dụ thuê những chuyên gia, trường làm tour mẫu cho hướng dẫn viên biết những quy trình phục vụ chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Ông Hiệp cũng cho rằng, tỉnh nên thành lập Trung tâm hướng dẫn viên tại Thái Nguyên để chủ động về nhân lực có chất lượng; hỗ trợ kinh phí để hàng năm tổ chức thi nghiệp vụ, tuyển chọn những hạt nhân giỏi về nghiệp vụ, tôn vinh lao động chất lượng cao, có đóng nhiều đóng về du lịch. Như vậy sẽ góp phần thúc đẩy nguồn lao động du lịch tốt hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề liên kết du lịch hết sức quan trọng. Ông Hiệp cho rằng, chúng ta đã xây dựng được những tour, tuyến du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh, các tỉnh phía Bắc. Hàng năm, chúng ta tổ chức chương trình qua những miền di sản Việt Bắc và nhiều tour tuyến khác. Đặc biệt chúng ta có liên kết với du lịch Hà Nội, cửa ngõ của tất cả các tỉnh.

Ngoài ra, du lịch mạo hiểm, Thái Nguyên có những hang động, nhưng còn rất sơ khai, cần quản lý chặt chẽ như Đông Tam Đảo, Tây Tam Đảo và nhiều địa điểm khác mà nhiều khách du lịch rất muốn khám phá sự nguyên sơ và được trải nghiệm theo nhu cầu.

Qua thực tế, ở những địa phương phát triển du lịch, người dân nơi đây rất nhiệt tình, thân thiện; các doanh nghiệp du lịch rất hài hòa, cạnh tranh bình đẳng; các tệ nạn rất hạn chế, điều này đã tạo nên du lịch lành mạnh, có văn hóa; chính quyền địa phương rất trân trọng đoàn khách du lịch và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch.

Thái Hải