Lễ hội gồm 2 phần. 

Phần lễ tổ chức cúng ma rừng, long vương, diêm vương tại bờ suối Bồ Bằm, xã Giáp Đắt. 

Tiếp đến là lễ cúng Cau Mương tổ chức tại nhà văn hóa xóm Nà Mười, phần lễ này gồm 12 mâm cỗ của 12 dòng họ, trong đó có mâm lễ chính gồm 1 đầu trâu, 2 thủ lợn... lễ cúng diễn ra từ đêm hôm trước đến sáng ngày hôm sau. Khi Thầy cúng làm lễ, phụ lễ có đội xòe, cồng chiêng, khèn, pí.

Thày cúng mời thần đất, thần nước, thần rừng về nhận lễ vật và dự lễ hội. Ảnh: HB

Phần hội tổ chức sau ngày lễ tại sân vận động xã, với những trò chơi dân gian, văn nghệ, trưng bày ẩm thực, đặc sản dân tộc bản địa...  

Ông Xa Văn Chí, 85 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, người con của xã Mường Chiềng, cho biết: Lễ hội Cau Mương diễn ra từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về sinh sống lập nghiệp tại vùng đất Mường Xồng (nay là Mường Chiềng). Lễ hội được tổ chức vào đầu năm, sau Tết Nguyên đán. 

Dệt vải, nghề chính của phụ nữ Tày Mường Chiềng. Ảnh: HB

Đây là dịp để người Tày bày tỏ tấm lòng của mình, tưởng nhớ tổ tiên, thành hoàng của các dòng họ đã có công sức khai phá, tạo dựng nên bản, nên Mường; bày tỏ sự tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã tạo mưa thuận gió hòa cho người dân bản có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. 

Lễ hội còn kết nối, tạo nên sức mạnh to lớn của các dòng họ đang sinh sống trên đất Mường Xồng (Mường Chiềng), chiến thắng thiên tai, địch họa. 
Chữ Tày đã, đang được phục dựng lại. Ảnh: HB

Năm 1953, giặc Pháp càn quyét lên đất Mường Xồng, chúng phát hiện Nhà thờ bản Mường của người Tày và các dòng họ ở bản Chum Nưa, nơi tổ chức lễ hội Cau Mương. Giặc Pháp đã châm lửa đốt Nhà thờ. 

Cuối năm 1953, các dòng họ người Tày Mường Xồng và dân bản đã bàn bạc và quyết định chuyển địa điểm và dựng lại Nhà thờ họ tại xóm Nà Mười, xã Mường Xồng, từ đấy, hàng năm lễ hội Cau Mương được tổ chức tại xóm Nà Mười. 

Năm 1955, lễ hội Cau Mương kết thúc. Từ đó đến nay, hơn 60 năm, lễ hội Cau Mương không được tổ chức lại, vì vậy, những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của lễ hội này có nguy cơ thất truyền, biến mất trong đời sống. 

Sau phần lễ, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng nổi trống khai hội. Ảnh: HB
Ông Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Sau một thời gian tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tra cứu tài liệu và thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Dân tộc do TS. Nguyễn Thị Thân Thủy làm Trưởng nhóm cùng cộng sự đã hoàn thành công trình nghiên cứu về lễ hội Cau Mương (Cầu Mường) của dòng họ người Tày Mường Chiềng. 

Việc tổ chức phục dựng lại lễ hội Cau Mương là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa lịch sử quan trọng của người dân xã Mường Chiềng và của cộng đồng dân tộc Tày huyện Đà Bắc. 
Sản phẩm của học viên Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên Đà Bắc, cung không đủ cầu. Ảnh: HB
Theo ông Hùng, từ kết quả nghiên cứu của Học viện Dân tộc, xã Mường Chiềng có cơ sở khoa học để kế thừa, bảo tồn và phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên đất Mường Chiềng, đặc biệt là khôi phục và bảo tồn lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Cau Mương.
Xòe món ăn tinh thần của đồng bào Tày Đà Bắc. Ảnh: HB

Lần đầu tiên phục dựng lễ hội Cau Mương, nhưng trong hai ngày diễn ra lễ hội, xã Mường Chiềng thực sự là ngày hội lớn, ngày hội tụ của các dòng họ người Tày đã từng sinh sống ở Mường Chiềng. Ngày mà người dân Mường Chiềng và các xã lân cận "khoe" với thiên hạ những sản vật đặc biệt của quê hương Mường Xồng - Mường Chiềng.  

Hồng Bài