Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, quy định của pháp luật hiện hành chưa thực sự cụ thể, chi tiết về cơ chế bảo vệ người tố cáo (TC) hành vi tham nhũng, cũng như chưa quy định trong những trường hợp nào thì người TC và thân nhân của họ được bảo vệ. Điều này đã khiến rất nhiều trường hợp người TC không dám hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong bảo vệ người TC, trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người TC; các biện pháp bảo vệ người TC còn định tính, chưa quy định cụ thể về từng biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ người TC...

Ngoài ra, do việc khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua hiệu quả còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người dân dũng cảm tố giác hành vi tham nhũng; cho đến nay số người TC tham nhũng được khen thưởng chưa nhiều, việc khen thưởng người TC hành vi tham nhũng chưa thực sự trở thành một biện pháp hiệu quả trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự chú trọng thông tin, tuyên truyền, quán triệt các quy định về khen thưởng người TC hành vi tham nhũng, gắn với việc tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về TC, cơ chế bảo vệ người TC hành vi tham nhũng.

Theo chủ nhiệm đề tài, cần nghiên cứu thiết lập cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người TC. Cơ quan này có nhiệm vụ tiếp nhận đề nghị bảo vệ của người TC, của các cơ quan, tổ chức hữu quan chuyển đến; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, thụ lý và xử lý TC, thu hẹp đầu mối cơ quan tiếp cận thông tin TC, hạn chế người tiếp cận trực tiếp, biết rõ thông tin cá nhân của người TC nhằm phòng ngừa tối đa khả năng rò rỉ thông tin này ra ngoài, đồng thời có cơ sở để xử lý trách nhiệm cá nhân đối với người tiếp nhận TC nhưng để lộ, lọt thông tin.

Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định rõ thời điểm kết thúc áp dụng các biện pháp bảo vệ khi các hành vi trả thù đã chấm dứt, đã bị xử lý, khắc phục hoặc dấu hiệu của việc trả thù không còn. Do đó, sẽ rất khó xác định trách nhiệm của người có thẩm quyền khi để xảy ra chậm chễ hay cố tình không ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Nên quy định rõ thời điểm kết thúc áp dụng các biện pháp bảo vệ người TC để giảm bớt được thời gian và công sức cho việc theo dõi không cần thiết.

Thái Hải