Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

Quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH

Luật Tiếp cận Thông tin có 5 chương và 37 điều và có sự tác động sâu sắc đến các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước, được đánh giá sẽ đem lại những lợi ích nhiều mặt đối với công dân, tổ chức và Nhà nước. Cụ thể:

Chương I - Những quy định chung (16 điều, từ Điều 1 đến Điều 16), bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận, thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận thông tin; các hành vi bị nghiêm cấm; chi phí tiếp cận thông tin; giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; xử lý vi phạm; áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.

Chương II - Công khai thông tin (6 điều, từ Điều 18 đến Điều 22) gồm các quy định về thông tin phải được công khai, hình thức, thời điểm công khai thông tin, việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết và xử lý thông tin không chính xác.
 
Chương III - Cung cấp thông tin theo yêu cầu (10 điều, từ Điều 24 đến Điều 32), gồm các quy định về loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin; hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu; tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin và từ chối yêu cầu cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin, trình tự cung cấp thông tin thông qua mạng điện tử, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax và xử lý thông tin cung cấp theo yêu cầu không chính xác.

 Chương IV - Trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân (3 điều, từ Điều 33 đến Điều 35), gồm các quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ và UBND các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.

 Chương V - Điều khoản thi hành (2 điều, Điều 36 và Điều 37) gồm quy định về điều khoản áp dụng và hiệu lực thi hành.

Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. 

Đại biểu cũng được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Tuấn Anh quán triệt Kết luận số 10-KL/TƯ, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh yêu cầu các cấp ủy, Chi bộ trên cơ sở quán triệt kết luận của Bộ Chính trị, cần nâng cao hơn nữa về nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới.

Thái Hải