Tham nhũng không phải là thách thức của riêng khu vực công

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2017, Việt Nam xếp hạng 107/180 toàn cầu về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), đạt 35 điểm trên thang điểm từ 0 đến 100 (trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch). Như vậy, kết quả trên khá tương đồng với nhận định của Đảng và Nhà nước thời gian qua về việc tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Tham nhũng trong khu vực công thường nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội với những vấn đề liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế và phân bổ, sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam cũng đang nổi lên như một thách thức lớn, cản trở đến những đóng góp quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế.

Tham nhũng trong khu vực tư là hình thức tham nhũng mà các chủ thể chính là các cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực tư. Loại hình phổ biến nhất của tham nhũng trong khu vực tư là hành vi hối lộ trong các hoạt động kinh doanh, thương mại. 

Khi đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng tham nhũng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Báo cáo Cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017[i] của AmCham Việt Nam (Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam), “sự bất ổn gây ra bởi tham nhũng tiếp tục là thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp thành viên của AmCham phải đối mặt”.

Trong một báo cáo tương tự được trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2010, AmCham Việt Nam cho biết “ý định ban đầu của một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không hiện thực hóa được, vì liên tiếp phải đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực, và quy trình cấp phép cũng như môi trường pháp lý chưa rõ ràng”[ii].

Tuy chưa có một nghiên cứu sâu nào về ảnh hưởng tiêu cực của tham nhũng đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy tham nhũng làm cản trở cạnh tranh công bằng, méo mó môi trường kinh doanh và hạn chế đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Do đó, việc phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực tư tại Việt Nam là thực sự cần thiết.

Doanh nghiệp vừa là tác nhân gây ra tham nhũng, vừa là nhân tố then chốt trong công cuộc PCTN ở khu vực tư

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thừa nhận từng trả chi phí không chính thức liên quan đến thanh tra - kiểm tra, thông quan hàng hoá và thủ tục đất đai lần lượt là 45%, 53% và 17,5%.

Trong môi trường mà rủi ro tham nhũng cao như ở Việt Nam, quan điểm cho rằng hối lộ là một phần “không thể tránh khỏi” trong hoạt động kinh doanh khá phổ biến, dẫn đến việc doanh nghiệp chấp nhận chi trả các khoản chi phí không chính thức.

Như vậy, từ là nạn nhân, doanh nghiệp đã trở thành tác nhân gây ra tham nhũng. Mặt khác, trên thực tế, nhiều giải pháp PCTN cũng xuất phát từ chính nội bộ doanh nghiệp. Một số nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam, đã làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Báo cáo “Phân tích rủi ro tham nhũng đối với nhà đầu tư tại Việt Nam” (2017)[iii] do Trung tâm Nghiên cứu và Quản trị Xã hội (CENSOGOR - một trong hai đối tác chính thức của TI tại Việt Nam) và VBF phối hợp thực hiện đã khảo sát 21 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy rủi ro tham nhũng là một trở ngại đáng kể trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Đặc biệt, việc biếu, tặng và nhận quà riêng và/hoặc các lợi ích khác giữa tư nhân với tư nhân và giữa tư nhân với Nhà nước được coi là một thực tế trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo báo cáo, 62% doanh nghiệp được khảo sát cho biết từng bị yêu cầu chi tiền lót tay hay cung cấp các dạng lợi ích không chính thức khác từ cán bộ, công chức Nhà nước trong vòng 12 tháng trước đó để các thủ tục, dịch vụ công được thực hiện nhanh chóng. Đa số các doanh nghiệp được khảo sát (90%) cho biết từng nhận quà biếu từ các nhà cung cấp, trong đó 81% nhận quà vào các ngày không phải ngày lễ của Việt Nam. Ngoài ra, 62% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có tính đến việc phải đài thọ chi phí để cán bộ Nhà nước ra nước ngoài tham dự các sự kiện của công ty. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp này đều xây dựng và thực thi các quy định về đạo đức kinh doanh để có thể ngăn ngừa những rủi ro tham nhũng nói trên.

Báo cáo “Khảo sát liêm chính kinh doanh trong các khu công nghệ cao ở Việt Nam” (2018)[iv] của TT đưa ra cách nhìn tổng quan về những thách thức liên quan đến vấn nạn hối lộ mà các doanh nghiệp tại 3 khu công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh phải đối mặt, cũng như các biện pháp đang được áp dụng để giảm thiểu những rủi ro này.

Kết quả khảo sát cho thấy những nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính của các ban quản lý khu công nghệ cao đã hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tại đây tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ. Tuy nhiên, do phần đông doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp trong nước, chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn hoá truyền thống Á Đông nên quan điểm “tặng quà (với giá trị nhỏ) cho đối tác để duy trì mối quan hệ tốt đẹp” vẫn khá phổ biến. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp thừa nhận từng bị yêu cầu chi tiền lót tay hay cung cấp các dạng lợi ích phi chính thức khi làm việc với các cán bộ hải quan hoặc thanh tra thuế vẫn còn đáng kể, lần lượt là 35% và 32%.

Trong quá trình khảo sát về hoạt động xây dựng chính sách và chương trình chống hối lộ, kết quả thu được khá khả quan với đa số các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đã triển khai các chiến lược PCTN, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang trong quá trình triển khai hoặc xem xét triển khai nếu được hỗ trợ. Như vậy, các doanh nghiệp được khảo sát đã ý thức về việc quy định PCTN ngay trong nội bộ doanh nghiệp.

Báo cáo “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp” (Báo cáo TRAC Việt Nam)[v] được TT thực hiện, lần đầu tiên năm 2017 đối với 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, và lần thứ hai năm 2018 đối với 45 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhằm đo lường mức độ công khai thông tin liên quan đến PCTN của các doanh nghiệp Việt Nam so với thông lệ tốt quốc tế.

Thực hiện theo phương pháp nghiên cứu của TI, báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp trên ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, công khai thông tin về các chương trình PCTN, bao gồm 13 câu hỏi, được xây dựng dựa trên tài liệu “Hướng dẫn Công bố Thông tin theo Nguyên tắc số 10 về PCTN” do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc và TI thực hiện.

Thứ hai, minh bạch trong cấu trúc về tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp, bao gồm 8 câu hỏi liên quan đến công khai thông tin về các công ty con và công ty liên kết của doanh nghiệp.

Thứ ba, công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia, bao gồm 5 câu hỏi về công khai thông tin tài chính ở mỗi quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động.

Do tiêu chí đánh giá của báo cáo được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn cao về công khai thông tin của quốc tế, nên kết quả đánh giá của các doanh nghiệp còn chưa cao. Tuy nhiên, kết quả tổng thể của Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 nhìn chung được cải thiện đáng kể so với Báo cáo TRAC Việt Nam 2017. Một số doanh nghiệp trong nước đã có kết quả tốt trong công khai thông tin về các chương trình PCTN với các nguyên tắc tương đối phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là tín hiệu tích cực đối với khả năng luật hoá việc xây dựng chính sách và chương trình PCTN trong nội bộ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Việt Nam trước những đòi hỏi của thời cuộc

Trên thế giới, nhiều công ước quốc tế đã được ký kết, cũng như nhiều quốc gia đã và đang xây dựng các quy định pháp lý để điều chỉnh tham nhũng trong khu vực tư.

Pháp luật về PCTN của các nước phát triển đang được thực thi mạnh mẽ không chỉ tại những nước sở tại mà còn tại các quốc gia có quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế. Ví dụ: Luật của Anh quốc về chống hối lộ (UK Bribery Act, 2010) và Đạo luật Chống tham nhũng tại nước ngoài của Mỹ (US FCPA, 1997) có hiệu lực xuyên biên giới, vươn tới những quốc gia mà công dân, doanh nghiệp của những nước này sinh sống, làm việc, hoạt động kinh doanh, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp dù có quy mô nào cũng sẽ nhận thấy được sự khắt khe của các quy định này (nhất là các quy định vượt ra ngoài phạm vi quốc gia) và chú trọng hơn về vấn đề tuân thủ.

Việt Nam cũng đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, bao gồm FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam chắc chắn không thể nằm ngoài xu hướng nói trên. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang dần chuyển mình và hứa hẹn trong tương lai không xa sẽ tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu về PCTN trong khu vực tư nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng.

Kể từ năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), trong đó Điều 12 quy định “mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán trong khu vực tư và, khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này”.

Một trong những bước đi đầu tiên của Việt Nam để thực hiện cam kết quốc tế về PCTN nói trên là việc đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) một số tội danh về tham nhũng trong khu vực tư, bao gồm tội tham ô tài sản, tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ và tội môi giới hối lộ.

Ngoài ra, những cam kết quốc tế gần đây của Chính phủ đã mang lại một số cải tiến trong pháp luật PCTN cũng như trong môi trường kinh doanh và đầu tư, ví dụ: Việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới, thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Hay như Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã đưa ra yêu cầu đối với các công ty mẹ có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong năm tài chính từ 18 nghìn tỷ đồng trở lên phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế xem xét hàng năm.

Bên cạnh đó, kể từ khi Luật PCTN năm 2005 ra đời, Chính phủ ngày càng công nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong nỗ lực chống tham nhũng cũng như khuyến khích các công ty áp dụng biện pháp kiểm soát nội bộ, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy hiệu quả các biện pháp PCTN.

Vào thời điểm hiện tại, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc xử lý tham nhũng trong khu vực tư. Chủ trương “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước” đã được Bộ Chính trị nhất quán tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN.

Theo tinh thần này, Chính phủ và Quốc hội đang gấp rút hoàn thiện và dự kiến thông qua Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10/2018. Tại Dự thảo, Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng trong tổ chức mình (Điều 84 và Điều 85).

Đặc biệt, Dự thảo mở rộng một số biện pháp bắt buộc áp dụng đối với công ty đại chúng và tổ chức tín dụng, bao gồm: Thực hiện các biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu (Điều 86). Việc thực hiện các quy định này của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng sẽ đi kèm với cơ chế thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm từ phía các cơ quan thanh tra của Chính phủ (Điều 94).

Tất cả những động thái trên đây chỉ là những bước khởi đầu, cho thấy việc pháp luật Việt Nam sẽ còn tiếp tục thay đổi và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn nhằm điều chỉnh tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt là khối doanh nghiệp.

Xây dựng tư duy PCTN cho doanh nghiệp

Hiện nay, kinh doanh có đạo đức và liêm chính đã trở thành một tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu, nhằm xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, đối tác kinh doanh và nhân viên. Cùng với những đòi hỏi của thời cuộc, việc cải tổ và thực hiện những biện pháp cụ thể để biến liêm chính trở thành một chuẩn mực thay vì là ngoại lệ trong hoạt động kinh doanh sẽ dần trở thành một yêu cầu tất yếu đối với Chính phủ và khối doanh nghiệp ở Việt Nam.

Vì vậy, ngay từ lúc này, TT cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về vấn đề liêm chính trong kinh doanh cũng như chủ động xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện một Chương trình PCTN[vi] trong nội bộ doanh nghiệp mình. Thực hiện theo quy định của pháp luật, thậm chí đi trước các quy định hiện hành bằng việc xây dựng một Chương trình PCTN nội bộ sẽ là một yêu cầu thiết yếu để tăng trưởng bền vững, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hướng tới thị trường khu vực cũng như toàn cầu.

Christian Levon - Nguyễn Hoàng Diệu Linh - Đỗ Thế Anh

(Tổ chức Hướng tới Minh bạch - Towards Transparency)