Thời gian qua, Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cũng như một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành công khai đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh về tham nhũng. Các thông tin phản ánh nhận được tương đối lớn, toàn diện trên các lĩnh vực nhưng chủ yếu vẫn là đất đai, khoáng sản; thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ...

Tuy nhiên, những thông tin đó có được xử lý không, phân loại, xử lý như thế nào, theo quy trình nào nếu nó không phải là tố cáo có thông tin người tố cáo rõ ràng, bộ phận nào có trách nhiệm giải quyết vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng bởi chưa có cơ chế giải quyết cụ thể, minh bạch được đảm bảo bởi pháp luật, người cung cấp thông tin cũng chưa được phản hồi lại một cách cụ thể. 

Trên cơ sở đó, đề tài "Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng" được ban chủ nhiệm đưa ra với nhiều nội dung phong phú, kết cấu gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng; Chương 2: Phản ánh thực trạng chính sách, pháp luật và việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng; Chương 3: Một số định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng.

Theo chủ nhiệm đề tài, việc lựa chọn đề tài "Tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng" nhằm nghiên cứu đưa ra nội dung, yêu cầu đặt ra, tìm hiểu thực tế quy định của pháp luật và thực tiễn hiện nay để từ đó đưa ra các kiến nghị cụ thể về nội dung, hình thức, trách nhiệm, quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng trong văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý trên thực tế. 

Góp ý hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, các đại biểu cho rằng đề tài đã đưa ra rất nhiều thông tin, số liệu, nghiên cứu rất kỹ và có phản ánh những chính kiến riêng của chủ nhiệm đề tài; cách tiếp cận khá mới mẻ.

Tuy nhiên, đề tài cũng cần làm rõ hơn các câu hỏi nghiên cứu, thông tin phản ánh tham nhũng do ai tiếp nhận, ai xử lý? Bên cạnh đó, nên có cách nào để đánh giá thực trạng về thông tin xử lý; ở phần chương 3, phương hướng nên viết gọn lại. Trong phương án hỗ trợ chính sách nên luận giải theo hướng khoa học, lập luận để đưa ra kết luận hợp lý. Ngoài ra, nhiều phần cần thể hiện thêm cho rõ, như phần: Phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu...

Thái Hải