Để thực hiện được hành vi trên, bị can Phấn có trợ thủ giữ vai trò thừa hành tích cực, nhận chỉ đạo từ bị can Phấn: Yêu cầu nhân viên NH Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang hạch toán thu khống số tiền hơn 5,2 nghìn tỷ đồng, đồng thời thông báo cho các cá nhân thuộc nhóm của bị can Phấn (nhóm Phú Mỹ) đến NH hoàn thiện chứng từ khống, hoặc giả chữ ký của nhóm Phú Mỹ, đó là bị can Bùi Thị Kim Loan sinh năm 1978, kế toán của Cty Phú Mỹ.

Lập hàng trăm chứng từ thu khống

Cáo trạng nêu, bị can Phấn sở hữu gần 85% cổ phần NH Đại Tín, đã lợi dụng ảnh hưởng của mình thông qua Bùi Kim Loan, chỉ đạo thu - chi khống không dùng tiền mặt, khi khách hàng phần lớn không đến NH giao dịch, thực hiện hạch toán khống trên hệ thống SmartBank.

Bị can Loan đã khai nhận với cơ quan điều tra: Loan đến NH Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, yêu cầu nhân viên NH lập 163 chứng từ thu gồm 86 giấy nộp tiền và 77 phiếu thu, số tiền tổng cộng của 163 chứng từ là hơn 4.175 tỷ đồng. Bị can Loan khẳng định, thực tế chỉ ký tên vào chứng từ không nộp số tiền trên bằng tiền mặt và Loan trực tiếp ký 11 chứng từ khống.

Tuy nhiên, Loan giải trình, Loan thực hiện theo thông báo của bị can Phấn là, trong ngày có khoản tiền của Cty Phương Trang trả, còn trả bao nhiêu tiền bằng hình thức gì, nguồn tiền từ đâu Loan không biết, nên Loan đã lập và hạch toán các chứng từ trên để thu nợ tiền Cty Phương Trang trả.

Bên cạnh bị can Bùi Kim Loan, trong bản Cáo trạng còn thể hiện, nhiều bị can trong nhóm Phú Mỹ giúp sức để bị can Phấn sử dụng nhiều khoản tiền thu khống khác. Các bị can đều khai, theo chỉ đạo của bà Phấn, hoặc theo thông báo của Loan, các bị can qua NH ký giấy nộp tiền do NH chuẩn bị sẵn, mà không nộp tiền mặt thực tế, còn ai nộp tiền, nộp tiền thế nào đều không biết.

Cáo trạng nêu rõ, bị can Hứa Thị Phấn đã thông qua Bùi Thị Kim Loan chỉ đạo nhân viên NH Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang lập chứng từ thu khống hơn 5.088 tỷ đồng cho nhóm Phú Mỹ của bị can Phấn, ngoài số tiền trên còn khoản tiền hơn 167 tỷ đồng thu khống bị can Phấn không nhớ chính xác đã nộp tiền mặt hay chưa, nhưng theo lời khai của cán bộ, nhân viên NH đủ căn cứ xác định bị can Phấn, hoặc bị can Loan không nộp số tiền này. Vì vậy, tổng số tiền bị can Phấn thông qua bị can Loan thu khống là hơn 5,2 nghìn tỷ đồng.

Do đó, cả bị can Phấn và bị can Loan đều chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 5,2 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc NH Đại Tín, nguyên Giám đốc Cty Phú Mỹ, cháu bị can Phấn cũng ký khống 5 giấy nộp tiền, tổng số tiền hơn 330 tỷ đồng.

Loan khai với cơ quan điều tra, cả 5 giấy nộp tiền trên Huệ chỉ chỉ ký chứng từ theo thông báo của bị can Loan, mà thực tế không nộp tiền.

Hành vi của Huệ đã gây thiệt hại cho NH Đại Tín hơn 330 tỷ đồng.

Đẩy dư nợ cho Cty Phương Trang

Cáo trạng ghi rõ, bản chất của hành vi rút ruột hơn 5,2 nghìn tỷ đồng của NH Đại Tín đối với hành vi của bị can Phấn được xác định rõ ràng: Khi NH Đại Tín có khoản tiền trên, bà Phấn đã chỉ đạo thu khống nhiều lần, vào tài khoản cá nhân, Cty thuộc nhóm Phú Mỹ để chứng minh có tiền đầu vào; chuyển số tiền đang có này vào tài khoản của bị can Phấn, hoặc tài khoản người được bị can Phấn nhờ, để sử dụng. Sau đó chỉ đạo chi khống cho Cty Phương Trang, đẩy dư nợ cho Cty này để vẫn đảm bảo cân đối trên hệ thống và che giấu hành vi tội phạm.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ, bà Phấn đã lợi dụng Cty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều bất động sản có giá trị lớn tại nhiều tỉnh, đang cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, buộc Cty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Cty Phương Trang, thông qua bị can Phấn không giải ngân, hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho Cty Phương Trang, đẩy dư nợ khống cho Cty Phương Trang  hơn 5,2 nghìn tỷ đồng.

Tại Cơ quan điều tra có sự tham gia của ông Bùi Ngọc Trung (luật sư của Hứa Thị Phấn), bị can Phấn đã thừa nhận, trong số tiền Phương Trang bị kê nợ khống, bà đã sử dụng 4.985 ngàn tỷ đồng. Số tiền này bà Phấn sử dụng để bù đắp cho các khoản nợ của cá nhân và các khoản nợ mà Cty thuộc nhóm Phú Mỹ do bà lập ra.

Việc bị can Phấn thông qua Bùi Kim Loan lập khống chứng từ thu, để giúp bị can Phấn thu khống hơn 5,2 nghìn tỷ đồng rồi đẩy dư nợ cho Cty Phương Trang là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước và của NH Đại Tín.

Viện KSND Tối cao đã truy tố bị can Hứa Thị Phấn, bị can Bùi Thị Kim Loan và bị can Ngô Kim Huệ về hai tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Nghiêm Lan