Từ đầu năm đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được tăng cường; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc công khai xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo các hành vi tham nhũng còn ít, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực…

Điều này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng cần tiến hành rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời những quy định chưa phù hợp, hoặc có sơ hở, giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động. Bố trí những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tuỵ, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và có bản lĩnh, dám đương đầu để làm công tác chống tham nhũng.

“Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.

Hơn nữa, một khi đã xảy ra tham nhũng, nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Nhất là, phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Một mặt, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng, nhưng mặt khác cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường xã hội tích cực nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Để tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc xử lý tham nhũng, Điều 4, Luật PCTN quy định rõ “mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”.

Cùng với đó, Luật PCTN cũng liệt kê 12 hành vi bị cấm, đó là: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Ngoài 12 hành vi tham nhũng đương nhiên bị cấm trên, thực tế còn phát sinh 2 loại hành vi nữa tương đối phổ biến làm cản trở không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Hai loại hành vi này thực chất là hai khía cạnh của cùng một vấn đề gồm: hành vi đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; hành vi lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Cả hai loại hành vi này đều bị Luật PCTN nghiêm cấm.

Thảo Nguyên