Theo cáo trạng, khoản tiền chiếm đoạt trên là từ việc đẩy dư nợ khống 5.256 tỉ đồng cho Công ty Phương Trang và nâng khống giá trị ngôi nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Đây chỉ là 1 vụ trong việc bà Phấn chiếm đoạt hơn 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín. 

Tuy nhiên, khi Cơ quan Điều tra (CQĐT) lấy lời khai, bà Phấn dùng nhiều chiêu trò, không trung thực gây khó khăn cho điều tra viên.

Nhiều chiêu “câu giờ”

Trước đó, từ ngày 27/3/2015 đến khi bị khởi tố, CQĐT đã có hàng chục buổi làm việc và hầu hết biên bản đều cho thấy bà Phấn đã dùng rất nhiều cách để “câu giờ” và cố đẩy trách nhiệm sang người khác hòng chối tội.

Chẳng hạn như trong biên bản làm việc ngày 31/3, ngày 2/4 và ngày 8/4/2015, các điều tra viên yêu cầu bà Phấn chuẩn bị hồ sơ liên quan đến những vấn đề như việc chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng mua 9 ha đất ở quận 2 và 24,6 ha đất ở huyện Nhà Bè, chứng từ liên quan đến các hoạt động chi thưởng cho các cá nhân… Thế nhưng, trong buổi làm việc sau đó, bà Phấn lại không cung cấp được những hồ sơ liên quan và tiếp tục hẹn. Nguyên nhân được bà Phấn đưa ra là do bị bệnh.

Mặc dù chậm chạp trong việc cung cấp hồ sơ liên quan, song bà Phấn lại rất nhanh trong việc giải trình để “tố” người khác. Cụ thể, trong đơn gửi CQĐT ngày 19/5/2015, bà Phấn cho rằng Công ty Phương Trang lợi dụng tình cảm của bà vay trên 1.100 tỉ đồng mà không chịu quyết toán cho Đại Tín. Đồng thời cho rằng nhóm Công ty Phương Trang đã bất hợp tác với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, không đối chiếu công nợ, không thừa nhận tổng số nợ vay và lãi vay…

Tại các buổi làm việc, điều tra viên đều tạo điều kiện cho bà Phấn có thời gian chuẩn bị các hồ sơ để chứng minh liên quan đến việc chiếm đoạt hơn 10.000 tỉ đồng của Đại Tín thế nhưng nhiều lần bà đã thất hứa. Chẳng những thế, bà Phấn còn liên tục viết đơn “giải trình và cứu xét” nhằm đổ tội cho người khác.

Trước khi bị khởi tố, ngày 6/3/2017, bà Phấn nhập Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng tại quận 7, TP HCM. Từ đó đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nhiều lần đến Bệnh viện Tân Hưng xác định tình trạng thể chất để hỏi cung, nhưng bà Phấn luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời, các luật sư của bà kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe tốt hơn.

Tuy nhiên, theo Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, bà Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và cả đơn kháng cáo trong vụ án Ngân hàng Đại Dương… nên cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để lượng hình phạt.

Trốn tránh trách nhiệm

Hồ sơ vụ án thể hiện “bà trùm” Ngân hàng Đại Tín đã nâng khống giá trị ngôi nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và lừa đảo, đẩy dư nợ khống 5.256 tỉ đồng cho Công ty Phương Trang để rút ruột Ngân hàng hơn 6.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Phấn đã dùng nhiều chiêu trò nhằm chối bỏ trách nhiệm.

CQĐT bắt đầu làm việc với bà Phấn vào ngày 27/3/2015. Theo đó, CQĐT yêu cầu bà Phấn giải trình tám vấn đề trong đó có việc thoả thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ tại Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh; việc vay mượn tiền giữa nhóm Phú Mỹ của bà Phấn và nhóm thuộc Công ty CP Đầu tư Phương Trang.

Tại buổi làm việc thứ hai với CQĐT ngày 31/3/2015, bà Phấn chỉ trả lời một phần yêu cầu của điều tra viên liên quan đến việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến cổ phần của mình và nhóm Phú Mỹ tại Đại Tín cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh.

Theo đó, bà Phấn cho biết, do “tình hình kinh tế thế giới suy thoái, thị trường bất động sản trong nước đóng băng, các nhà đầu tư nước ngoài không chuyển tiền thanh toán” dẫn đến việc bà và nhóm Phú Mỹ gặp khó khăn trong việc giải quyết công nợ tại Đại Tín. Từ đó dẫn đến việc bà phải bán cổ phần của mình tại ngân hàng mà bà là cố vấn cấp cao.

Bà Phấn còn cho rằng nguyên nhân khiến bà bán cổ phần một phần từ áp lực do thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng như sau khi nghe “lời khuyên của ông Hà Văn Thắm khi ông này “tiết lộ” rằng ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tái cơ cấu TrustBank (Ngân hàng Đại Tín), nếu bà không đồng ý chuyển cho ông Danh thì Bộ Công an sẽ vào làm việc và gây khó khăn cho Ngân hàng và bà sẽ bị bắt.

Ngoài ra, với các khoản công nợ (gồm khoản tiền đầu tư, công đoàn hơn 1.037 tỉ đồng, khoản tiền lãi của 29 hợp đồng vay hơn 985 tỉ đồng), bà Phấn cho rằng bà và nhóm Phú Mỹ không còn trách nhiệm vì đã được chuyển giao cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh (thời điểm này ông Danh đã bị bắt).

Đến ngày 2/4/2015, trong buổi làm việc tiếp theo với các điều tra viên về khoản nợ hơn 2.061 tỉ đồng (bao gồm gốc và lãi), bà Phấn tiếp tục chối vai trò của mình khi ghi vào biên bản làm việc: “Khi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng và khi bàn giao cho ông Thắm và ông Danh, tôi hoàn toàn không còn nợ ngân hàng. Những phát sinh trên tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm”.

Ngoài việc chối bỏ khoản dư nợ trên, bà Phấn còn né trách nhiệm trong các phi vụ mua đất, mua cổ phiếu để chiếm đoạt riêng hơn 10 ngàn tỉ đồng của Trustbank.

Ngày 29/9/2017, bà Phấn bị TAND TP Hà Nội xử 17 năm tù giam về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bà Phấn kháng cáo.

Ngày 4/5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án trong vụ Hà Văn Thắm sai phạm tại OceanBank (Ngân hàng Đại Dương). Theo đó, bác kháng cao, y án sơ thẩm với bà Phấn. Như vậy, bà Phấn đã chính thức dính một án tù 17 năm.

Và sắp tới bà Phấn phải đối diện với một phiên tòa xét xử nữa mà bà là bị cáo chính, chủ mưu chỉ đạo rút ruột, sử dụng, làm thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.200 tỉ đồng. 

Nghiêm Lan