Năm 2014, ngành Thanh tra đã nỗ lực bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai nhiệm vụ thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kết quả các mặt công tác về cơ bản đã hoàn thành định hướng chương trình công tác thanh tra đã đặt ra. 

Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tham dự việc triển khai thanh tra trong các bộ, ngành đang gặp phải sự chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra và kiểm toán Nhà nước; giữa các cơ quan thanh tra với nhau.

Năm 2015, mục tiêu, yêu cầu triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về thanh tra gắn với việc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước. Hoạt động thanh tra bảo đảm vừa có trọng tâm, trọng điểm vừa bám sát, đáp ứng dược các yêu cầu của việc phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra. Hoạt động thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là việc chuyển sang các vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để khởi tố hình sự.

Tại cuộc họp, đại biểu các bộ, ngành đã tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra. 

Theo ý kiến của Thanh tra Bộ Xây dựng, để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra với kiểm toán Nhà nước cần xây dựng quy chế phối hợp về xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán để ngay từ khi xây dựng kế hoạch việc ít trùng lắp kế hoạch sẽ dẫn đến ít trùng lắp trong triển khai thực hiện thanh tra, kiểm toán.

Còn đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, nên chủ động làm trước giữa Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, sau đó mời kiểm toán Nhà nước sang để chốt.

Kết luận buổi họp, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh tiếp thu ý kiến của các đại biểu và khẳng định cần có giải pháp giải quyết sự trùng lắp, chồng chéo trong công tác thanh tra, từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng đó.

Về chương trình, kế hoạch cụ thể và cách giải quyết, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu cần sử dụng Thông tư 03, đồng thời phát huy vai trò chủ động, tích cực chia sẻ trách nhiệm với nhau về trách nhiệm công vụ đặc biệt là giữa các bộ liên quan. Với cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ sẽ làm việc với Kiểm toán về nguyên tắc xử lý chồng chéo.

Thái Hải