Chiều ngày 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội.

Nổi lên 8 vụ khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 7, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6/2022.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 318 lượt với 1.116 công dân đến trình bày về 313 vụ việc, trong đó có 25 đoàn đông người đến trình bày 24 vụ việc.

Theo ông Bình, tình hình công dân tập trung đông người tại Hà Nội để khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Qua rà soát, hiện còn khoảng 80 công dân khiếu kiện của 19 địa phương đang lưu trú trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự. Tại khu vực Ba Đình thường xuyên có từ 20 đến 30 người khiếu kiện tuần hành trên các tuyến phố trung tâm và tập trung tại khu vực xung quanh Nhà Quốc hội, nơi ở của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Trưởng ban Dân nguyện nói.

Ông Bình cho hay, đây là các vụ việc đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết hết thẩm quyền, nhiều vụ việc đã được các cơ quan Trung ương tiếp, thực hiện rà soát, đã kết luận, thậm chí đã báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm nhưng vẫn tái khiếu, tái tố.

Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục trở về địa phương nhưng các công dân này không hợp tác và chỉ về địa phương khi được lãnh đạo tỉnh trực tiếp ra Hà Nội đối thoại, trả lời bằng văn bản.

Theo số liệu tổng hợp từ công an các địa phương thì nổi lên 8 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

“Tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ hàng trăm công trình xây dựng trái phép”, ông Bình nêu báo cáo của Bộ Công an.

Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng công dân tụ tập đông người, gây mất trật tự xã hội tại một số khu vực chính trị Ba Đình, trụ sở cơ quan Trung ương tại Hà Nội và nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

UBND các tỉnh, TP giải quyết từ sớm, từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với thế lực phản động lợi dụng một số vụ việc khiếu kiện đông người kéo về Trung ương để lôi kéo, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.

Ban Dân nguyện cũng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Phúc) khẩn trương chỉ đạo, có giải pháp giải quyết dứt điểm với 8 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự

Đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy

Vẫn theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội.

“Cử tri, nhân dân kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy”, ông Bình nêu.

Cử tri và nhân dân cũng đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính vẫn có một số cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng.

Hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra…

Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí…

Ban Dân nguyện đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời có giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện đồng bộ, thống nhất với quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại…

Kiến nghị nữa của Ban Dân nguyện là, quản lý chặt chẽ việc xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành; sớm có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng căn hộ phục vụ tái định cư bị “bỏ hoang” gây lãng phí…

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các kiến nghị của Ban Dân nguyên.

Hương Giang