Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tự hào vùng quê cách mạng với hành trình khát vọng mới

Hưng Lợi - Châu Yên

Thứ năm, 12/09/2024 - 13:04

(Thanh tra) - Về Hưng Nguyên, Nghệ An vào những ngày đầu Thu, vùng đất Xô Viết kiên cường, chúng ta cảm nhận rõ sự đổi mới của quê hương trong suốt 94 năm có Đảng dẫn đường. Phát huy lịch sử 555 năm danh xưng và truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đồng lòng vượt qua mọi thử thách, thi đua lao động sản xuất, làm theo lời Bác, tạo bước phát triển toàn diện.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Hưng Nguyên nghe thuyết minh về Khu Công nghiệp VISP. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Vùng đất cách mạng

Hưng Nguyên là huyện đồng bằng, nằm yên bình giữa những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi hội tụ tinh hoa của sông Lam, núi Thành. Với bề dày lịch sử và văn hóa, mảnh đất Hưng Nguyên không chỉ ghi dấu những truyền thống quý báu mà còn là chứng nhân của những thời khắc quan trọng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. 555 năm - qua hơn nửa thiên niên kỷ, những giá trị hào hùng của cha ông vẫn còn sống mãi như một nguồn động lực mạnh mẽ là niềm tự hào của các thế hệ người dân Hưng Nguyên viết tiếp, dựng xây trên con đường đổi mới.

Tái hiện cuộc bãi công và biểu tình của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh từ ngày 1/5 đến tháng 8/1930, là “đêm trước" của Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Ngược dòng lịch sử, cách đây tròn 555 năm, vào năm Kỷ Sửu hiệu Quang Thuận thứ 10, năm 1469, Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính của cả nước. Nước Đại Việt lúc bấy giờ chia thành 12 thừa tuyên, Nghệ An là 1 trong 12 thừa tuyên.

Huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô và tên huyện Hưng Nguyên chính thức ra đời từ đây. Theo dòng chảy của lịch sử, trải qua bao thăng trầm biến đổi về điạ giới hành chính, tên gọi Hưng Nguyên vẫn giữ mãi đến ngày nay được xác lập 17 xã và 1 thị trấn.

Mộ các liệt sĩ Xô Viết Nghệ - Tĩnh hi sinh ngày 12/9/1930 tại Thái Lão, huyện Hưng Nguyên Khu Di tích Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Xuân Thống

Truyền thống 555 năm danh xưng Hưng Nguyên với những tên đất, tên người đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với nhiều địa danh nổi tiếng đã đi vào sử sách như Phùng Triệu khẩu phù Thạch xưa là từng là lịch sử, là nơi đặt trường thi Hương, trường thi duy nhất của Nghệ An; núi Lam Thành là hậu cứ của nghĩa quân Lê Lợi vây đánh quân Minh vào đầu thế kỷ thứ 15.

Cũng trên mảnh đất này, vào những năm đầu thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 17 đã có những con người nổi tiếng của sử thi đất nước đặt chân đến mảnh đất Hưng nguyên như Vua Lê Lợi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Vua Quang Trung. Một vùng địa linh đã sinh nhiều bậc nhân tài cho quê hương đất nước như: Danh nhân Nguyễn Trường Tộ, Binh bộThượng thư Đinh Bạt Tụy, liệt sĩ Phạm Hồng Thái; Tổng Bí thư Lê Hồng Phong… Vùng quê thanh bình này còn là quê tổ của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ Quang Trung.

Nằm trong lòng xứ Nghệ, mảnh đất này ngoài bề dày truyền thống, lịch sử văn hóa và cách mạng còn là nơi có vị trí chiến lược về kinh tế chính trị quốc phòng, an ninh, nơi cửa ngõ phía Tây TP Vinh. Với bề dày truyền thống lâu đời, Hưng Nguyên đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Toàn huyện có 250 di tích danh thắng cảnh, trong đó có 37 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia, mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền.

Bí thư Huyện uỷ Hưng Nguyên Nguyễn Trường Giang (trái ảnh) và đoàn công tác kiểm tra mô hình kinh tế. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Mảnh đất có bề dày lịch sử tròn 555 năm ấy vẫn còn đó nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang, xã Hưng Xá nay xã Long Xá gắn với hoạt động của nhiều chí sỹ yêu nước và cách mạng trong phong trào Cần Vương, Đông Du, Xô Viết Nghệ - Tĩnh.

Những năm 1930, Nhà thờ họ Võ là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Hưng Nguyên có tên là Trúc Lam Giang. Sau này, chi bộ đã trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của 8.000 nông dân Hưng Nguyên và Nam Kim, huyện Nam Đàn làm nên cuộc biểu tình 12/9/1930, đấu tranh đòi ruộng đất cho dân cày, làm nên nét son chói lói trong trang sử cách mạng những ngày đầu có Đảng.

Tháng 10/1930, Phủ ủy Hưng Nguyên lâm thời được thành lập đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua thử thách và cùng với Nhân dân trong tỉnh và cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, là huyện thứ 2 của tỉnh Nghệ An giành được chính quyền về tay Nhân dân.

Với tinh thần kiên cường và truyền thống cách mạng của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, người dân Hưng Nguyên tiếp tục phát huy những giá trị quý báu của dân tộc làm nên nhiều thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến. Ghi nhận những cống hiến to lớn của huyện Hưng Nguyên, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý.

Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, huyện Hưng Nguyên cùng với cả nước bước vào công cuộc kiến thiết quê hương đầy gian nan, thách thức. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức; tranh thủ thời cơ vận hội mới, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.

Tiếp bước truyền thống

Về Hưng Nguyên những ngày đầu thu, vùng đất Xô Viết kiên cường, chúng ta cảm nhận rõ sự đổi mới của quê hương trong suốt 94 năm có Đảng dẫn đường. Đảng bộ và Nhân dân Hưng Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đồng lòng vượt qua mọi thử thách, thi đua lao động sản xuất, làm theo lời Bác, tạo bước phát triển toàn diện. Từ trung tâm đến nông thôn, màu xanh no ấm đã phủ khắp nơi.

Tượng đài Xô Viết Nghệ - Tĩnh ở thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Xuân Thống

Trong hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Hưng Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu. Tốc độ tăng trưởng đứng trong tốp đầu toàn tỉnh, với thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,49%.

Tất cả các xã của Hưng Nguyên đều đã được công nhận xã nông thôn mới, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh...

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra các điển hình nông thôn mới tại xã Hưng Tân. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng thiết yếu mà Hưng Nguyên còn gắn việc xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung (trái ảnh) cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hưng Nguyên tham quan nhà máy may tại Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Trước yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của huyện Hưng Nguyên trong sự phát triển chung của tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã ký ban hành Quyết định 1612/QĐ-UBND ngày 28/6/2024 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hưng Nguyên thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quyết định có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện Hưng Nguyên nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

555 năm Hưng Nguyên - danh xưng ấy là điểm tựa vững chãi để lớp lớp thế hệ con cháu hôm nay, vững bước đi lên. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Nguyên ôn lại, hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống lịch sử của quê hương; vững tin, quyết tâm chung sức, chung lòng hơn để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, viết tiếp trang sử hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt", của quê Xô Viết anh hùng.

Đổi thay trên quê hương Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Xuân Thống

Nhớ về nguồn cội, tự hào về quê hương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng với bề dày truyền thống 555 năm, 94 năm Xô- Viết Nghệ - Tĩnh với đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931, một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hưng Nguyên hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, học tập tấm gương tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh và chí khí kiên trung, bất khuất tăng cường hơn nữa đoàn kết, thống nhất trong Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX đã đề ra, cùng viết tiếp bản hùng ca trên con đường đổi mới, xứng danh là quê hương Xô Viết anh hùng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Kiểm tra hơn 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng

Quảng Ninh: Kiểm tra hơn 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng

(Thanh tra) - Năm 2024, cấp ủy các cấp trong tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra trên 9.200 đảng viên, 2.200 tổ chức Đảng; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 3 cuộc kiểm tra đối với cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã tiến hành kiểm tra 147 đảng viên, 40 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm.

Trọng Tài

19:20 12/12/2024
Thanh Hóa: Khắc phục tình trạng cấp GCNQSDĐ để lấy lại niềm tin trong Nhân dân

Thanh Hóa: Khắc phục tình trạng cấp GCNQSDĐ để lấy lại niềm tin trong Nhân dân

(Thanh tra) - Trước tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tồn đọng nhiều gây bức xúc trong Nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên giải trình về tình hình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục để lấy lại niềm tin từ phía người dân.

Văn Thanh

18:47 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm