Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025

Thanh Thanh

Thứ tư, 14/10/2020 - 11:17

(Thanh tra) - Sáng nay (14/10), tại thành phố Vĩnh Yên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc. Dự Đại hội có 348 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 70.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc long trọng tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VP

Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Hoàng Thị Thuý Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các đại biểu về dự Đại hội và nhấn mạnh đến những nỗ lực, bứt phá và kết quả nổi bật tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là thành công của tỉnh trong năm 2020 khi Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và đã khống chế, kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh để tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VP

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thuý Lan nhấn mạnh: nhiệm kỳ qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ấn tượng; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội lần này thực hiện 4 nội dung quan trọng là: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; thảo luận và thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cấp ủy, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa mới và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời. đề nghị mỗi đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, thực hiện tốt nội dung, chương trình đại hội đề ra.

Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội. Ảnh: VP

Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định với sự linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể nhân dân, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 104,48 triệu đồng/người. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó, công nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành, nâng cao giá trị thu nhập, bước đầu thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất.

Thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư tăng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động tạo diện mạo mới cho đô thị và khu vực nông thôn.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đứng thứ 5 cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác quân sự quốc phòng được củng cố, tăng cường. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp được quan tâm thường xuyên. Công tác phát triển Đảng được chú trọng, bình quân hằng năm kết nạp được 2.389 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp trong sạch vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước được giữ vững và tăng cường. Đặc biệt, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã gương mẫu, thực hiện tốt Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Trong nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc đã sáp nhập 2 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, giải thể 100% chi bộ đảng cơ quan xã và 126/137 chi bộ đảng quân sự xã, phường, thị trấn. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng đều vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Vĩnh Phúc xác định 28 chỉ tiêu chủ yếu, 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá gồm: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Xây dựng nền văn hóa, văn hóa, nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng nguồn lực; đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tạo bước đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn. Phấn đấu tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 80%; tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5-9,0%/năm; thu ngân sách nhà nước tăng 6-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 130-150 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%. Hàng năm giải quyết việc làm cho từ 16.000-17.000 người.

Tại đại hội ông Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham luận chủ đề “Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống”. Vĩnh Phúc cần tăng cường xã hội hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp. Tăng cường kết nối, gắn kết với tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh bày tỏ sự thống nhất cao với phương hương, mục tiêu, giải pháp phát triển của tỉnh được nêu trong báo cáo chính trị trình Đại hội. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, Mặt trận tổ quốc các cấp sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả với phương châm gần dân, sát dân. Đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên đề cập đến 4 nhóm giải pháp quan trọng để xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh trong nhiệm kỳ tới. Đó là: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cần đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng đô thị với các nội dung cụ thể, tạo bước chuyển biến mới trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu đối với sự phát triển của tỉnh. Nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiện đại. Đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị, nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thay mặt Đoàn Chủ tịch chủ trì thảo luận. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung, mục tiêu trong báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ tỉnh trình Đại hội. Đồng thời, cho ý kiến đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm