Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 29/01/2021 - 15:15
(Thanh tra) - “Giai đoạn 2021-2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy rất mạnh vì đây là xu hướng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh và cho rằng, đổi mới, sáng tạo là “hồn cốt” của trường đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TN
Bên hành lang Đại hội Đảng XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí về kết quả và định hướng đổi mới giáo dục, nhất là nhiệm vụ đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà văn kiện Đại hội Đảng đề cập.
Thanh, kiểm tra để loại bỏ “u nhọt” trong giáo dục
+ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện được 7 năm. Ông đánh giá thế nào về kết quả đổi mới giáo dục?
- Có rất nhiều kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29. Trước hết, đến thời điểm này đã có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới.
Ở bậc mầm non đã phổ cập trên toàn quốc. Chúng ta cũng đạt được phổ cập tiểu học và THCS ở mức độ cao. Chất lượng giáo dục phổ thông được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Trong đánh giá chất lượng đại trà PISA, điểm của học sinh Việt Nam ở nhóm cao trong số 79 nước, trong đó chủ yếu là các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)
Kết quả của giáo dục mũi nhọn, thể hiện trong các giải Olympic quốc tế cũng đạt rất cao. Trong 5 năm vừa rồi, chúng ta đạt 54 Huy chương vàng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó.
Với đại học, chúng ta đã thực hiện tự chủ rất mạnh. Lần đầu tiên tư duy tự chủ đại học đã ngấm được vào đội ngũ lãnh đạo các trường đại học.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung rà soát, ban hành cơ chế chính sách, tạo môi trường đủ thông thoáng và chặt chẽ cho các cơ sở GD&ĐT hoạt động mang tính cạnh tranh.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra. Ở đây, thanh, kiểm tra không phải để siết lại mà thực chất qua đó để “gỡ khó” cho các trường. Ví dụ, trong môi trường cạnh tranh, nếu một số trường đại học hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng tới các trường khác. Nên thực chất thanh, kiểm tra là xóa bỏ những “u nhọt” để môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, dân chủ.
Chủ trương của ngành là trong 5 năm tới sẽ triển khai mạnh chuyển đổi số đối với đại học. Một mặt chuyển đối số để xây dựng tài nguyên số, xây dựng phương thức đào tạo trực tuyến kết hợp với trực tiếp tốt. Mặt khác, là áp dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa điều kiện đảm bảo chất lượng.
Tôi lấy ví dụ, hiện nay, một trong những điều kiện để mở mã ngành là đội ngũ giảng viên. Khi không minh bạch hoặc chưa minh bạch đầy đủ danh sách giáo viên thì có thể các trường mượn tên của nhau. Nhưng minh bạch thì giảng viên nào đã ở trường này thì không có tên ở trường kia.
Chủ trương của Bộ là cố gắng hạn chế tính hành chính, tăng cường minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi cho người đi học và những cơ sở giáo dục đại học làm tốt.
Những cơ sở giáo dục nào kém chất lượng, có biểu hiện gian dối thì trong thẩm quyền, chúng tôi quyết tâm kiến nghị các cấp có thẩm quyền làm mạnh, để tạo ra môi trường minh bạch. Với bậc đại học đào tạo nguồn nhân lực thì trong chừng mực nào đó sự minh bạch sẽ sắp xếp lại các nguồn lực, điều chỉnh lại các trường.
Giai đoạn đổi mới chọn thi là khâu đột phá. 6 năm qua, đã có nhiều nỗ lực để đổi mới thi cử, đánh giá, chuyển từ đánh giá theo điểm số, đánh giá thường xuyên theo học kỳ sang đánh giá theo quá trình, theo sự tiến bộ của người học.
Đến nay việc tổ chức các kỳ thi đã ổn định và có nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi. Còn tới đây sẽ tập trung nhiều vào đại học - bậc học rất cần phải cải tổ.
Đây sẽ là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh
+ Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang nghiêng về đào tạo nhiều hơn về giáo dục. Ông nhận định gì về ý kiến này?
GD&ĐT rất rộng, liên quan đến mọi người, mọi nhà. Kỳ vọng của mỗi người học và gia đình bao giờ cũng lớn, nhưng điều kiện thực hiện thì ở mức độ.
Mục tiêu là đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT để chất lượng giáo dục tiến nhanh tới nền giáo dục tiên tiến. Bên cạnh cái được rất lớn là kiến thức thì vấn đề giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, những vấn đề liên quan đến ứng xử, giáo dục thể chất để nâng tầm vóc, thể lực của các em đảm bảo toàn diện còn hạn chế.
Nên ý kiến nói rằng, chúng ta thiên nhiều về đào tạo mà chưa nhiều về giáo dục là có cơ sở, tuy nhiên, phải nghĩ một cách công bằng. Với giáo dục phổ thông, chúng ta tập trung nhiều về giáo dục vì hướng tới sự toàn diện, còn đâu đó có một số điểm cần cải thiện thì sẽ tăng cường.
Với đại học là nghề thì phải chuyên sâu. Muốn chuyên sâu được thì phải đào tạo. Dù vậy, sinh viên đại học cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bởi vậy công tác học sinh, sinh viên cần tạo môi trường cho sinh viên học các kỹ năng, nhất là những kỹ năng tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm.
Vừa qua, ngành Giáo dục thực hiện Đề án 1665, đề án của Thủ tướng Chính phủ về khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên; qua 3 năm kết quả rất tốt. Tốt ở đây không hẳn là mỗi năm có khoảng 500-600 đề án, ý tưởng sáng tạo, mà quan trọng là tạo ra một môi trường để sinh viên trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm. Đào tạo phải được hiểu theo không chỉ có kiến thức nghề nghiệp mà còn là ứng xử và rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp.
Tới đây, chúng tôi tiếp tục phát huy những cái được và đã nhìn nhận ra những cái tạm gọi là “trũng”, là yếu để tiếp tục có chính sách chỉ đạo tốt hơn.
Tôi tin rằng, 5 năm tới giáo dục đại học của chúng ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định và từng bước đi theo hướng toàn diện. Như vậy sẽ tốt dần lên.
+ Ông đánh giá như nào về quan điểm đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nêu trong văn kiện?
Tôi đánh giá rất cao, đây không phải ngẫu nhiên mà là một quá trình, là tập hợp rất nhiều ý kiến trí tuệ của những người trong ban soạn thảo và những người trong giới khoa học, các trường đại học.
Theo tôi, đổi mới, sáng tạo là hồn cốt của trường đại học. Khi nói đến khoa học hay nói đến đổi mới, sáng tạo không có nghĩa phải làm ra cái mới khác cái cũ mà là có phương pháp, tư duy, phương thức để đổi mới.
Ở bậc đại học, đổi mới trước hết là trong hoạt động dạy và học, đổi mới trong cả phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021-2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy rất mạnh vì đây là xu hướng.
Chúng ta đi đúng xu hướng, nếu thuận thì mọi người sẽ ý thức được và chủ động để bắt nhịp. Nếu nhận thức về xu hướng còn “lừng khừng” thì luôn luôn là người đi sau, mà đã là người đi sau thì không nắm bắt được cơ hội.
Tôi cho rằng, giai đoạn tới đây sẽ là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành sẽ tạo ra những chuyển biến rất mạnh.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, Thành ủy Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố các quyết định của Ban Thường vụ Thành uỷ về công tác cán bộ đối với ông Trần Trung Kiên và ông Trần Văn Trí.
Văn Thanh
21:18 22/11/2024(Thanh tra) - Trong thời gian qua, các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”; đồng thời, triển khai các kế hoạch tiếp công dân (TCD) nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Thái Hải
08:00 22/11/2024Văn Thanh
12:08 21/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trọng Tài
18:50 19/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam