Sở VH&TT Hà Nội thống kê, hiện TP có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024 với nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu Xuân, ngay sau Tết Nguyên đán.

Một trong những lễ hội lớn không thể bỏ qua đó là lễ hội chùa Hương, kéo dài suốt 3 tháng, mỗi ngày thu hút hàng vạn du khách. Ngoài lễ hội chùa Hương, nhiều lễ hội khác cũng thu hút lượng lớn khách thập phương tham gia như: Lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội Lệ Mật (quận Long Biên), lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, lễ hội Đền Sái (huyện Đông Anh)...

Có thể thấy, lễ hội là sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Quá trình tổ chức những năm qua vẫn còn xảy ra tình trạng tranh giành lộc, rải tiền lẻ, đốt vàng mã bừa bãi… hay những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Chia sẻ về công tác tổ chức mùa lễ hội năm nay, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhắc lại, mùa lễ hội 2023 vẫn có một số hiện tượng gây phản cảm, như chèo kéo khách ở chùa Hương, hay xuất hiện “sới gà” tại một lễ hội ở huyện Phú Xuyên.

Rút kinh nghiệm, năm nay, Sở đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm, trục lợi trong lễ hội; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hạn chế đốt vàng mã; không đặt tiền lẻ tại các ban thờ…

Trước ngày diễn ra các lễ hội, Sở VH&TT Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, đã có sự thay đổi tư duy lãnh đạo, bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý bằng hình thức số vé điện tử, không có tình trạng chèo kéo, đeo bám khách. Các địa phương cũng đều rất cầu thị, cung cấp đường dây nóng, thông tin báo chí... để nhân dân, báo chí có thể góp ý cho công tác quản lý lễ hội tốt hơn.

Để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh trong suốt thời gian diễn ra, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Đây là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Cùng với TP, hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội trên địa bàn.

Là địa phương có lễ hội lớn và kéo dài nhất dịp đầu Xuân - lễ hội chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, huyện đã thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé, 1 tổ kiểm tra liên ngành phục vụ lễ hội.

Huyện cũng đã chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng trực chờ, kiểm tra, giám sát các hoạt động của lễ hội để bảo đảm diễn ra an toàn, văn minh. Cùng với đó, ban tổ chức thường xuyên lập đoàn thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong, đánh bạc trên thuyền như những năm trước.

Không chỉ chùa Hương, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội đánh giá, năm nay các lễ hội của Hà Nội đều có những thay đổi trong công tác tổ chức, quản lý với mong muốn mỗi lễ hội đều trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, góp phần phát huy những giá trị truyền thống quý giá của dân tộc.

Một mùa lễ hội đã bắt đầu, mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương được thực hiện nghiêm túc, mỗi người dân tham gia đề cao ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng để lễ hội thực sự là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn cho du khách dịp đầu Xuân.

Không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan

Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, TP Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý lễ hội và kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh đến việc không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu.

Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

TP cũng đã công bố đường dây nóng (0965.404.557) để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội. 

Hải Hà