Thấy rõ lợi ích của DVMTR

Có thể thấy việc triển khai chính sách chi trả DVMTR hơn 10 năm qua tại Kon Tum đã phát huy hiệu quả tốt giúp công tác quản lý, bảo vệ  rừng (QLBVR) nói chung cũng như diện tích rừng cung ứng DVMTR nói riêng từng bước được cải thiện; đặc biệt ý thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt, họ trách nhiệm hơn trong công tác QLBVPTR.

Một trong những giải pháp giúp bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) hiệu quả là quản lý rừng dựa vào cộng đồng, trong đó tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào công tác BVPTR. 

Thời gian qua, tại Kon Tum, nhận thức rõ lợi ích của chính sách chi trả DVMTR, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất giao rừng, cũng như các hộ, nhóm hộ nhận khoán QLBVR đã thực hiện tốt việc giữ rừng. 

Các chủ rừng này đã biết lập và triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng hàng tháng, chia khu vực tuần tra theo sơ đồ tài nguyên của địa phương, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ gia đình trong cộng đồng cũng như giữa cộng đồng với chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong việc duy trì bảo vệ tốt diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn; qua đó giúp giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép cả về số vụ và mức độ thiệt hại…

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum cho biết, riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi trả DVMTR cho 3.335 hộ gia đình, cá nhân và 62 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng với số tiền 39.258,88 triệu đồng, tương ứng với diện tích 46.830,14 ha. Đây nguồn thu nhập ổn định của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất giao rừng. Là những người dân sống gần rừng, bình quân hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập khoảng 9,6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 115,4 triệu đồng/cộng đồng/năm. 

Cộng đồng đoàn kết cùng giữ rừng

Cũng theo ông Hoàng, việc gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện hợp lý, rõ ràng đã tạo động lực cho người dân ra sức bảo vệ rừng, bởi vì bảo vệ rừng là làm dịch vụ, bảo vệ rừng tốt thì sẽ được nhận tiền DVMTR nhiều. Từ đó, từng bước hình thành nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng. Từ những cách làm hiệu quả ấy, người dân tham gia bảo vệ rừng được cải thiện đời sống, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng, góp phần đảm bảo cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng, xóa đói giảm nghèo, là động lực cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, năm 2021, cộng đồng thôn Tu Mơ Rông QLBVR 197,13 ha rừng cung ứng DVMTR và được chi trả số tiền DVMTR hơn 242 triệu đồng. Bà Y Hương - Bí thư chi bộ cộng đồng dân cư thôn cho biết: “Tôi nhận thấy, tiền DVMTR đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng tôi. Với số tiền DVMTR hàng năm được nhận qua tài khoản ngân hàng, chúng tôi đã lập kế hoạch sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, bám sát theo quy chế đã được cộng đồng thông qua. Việc lập kế hoạch sử dụng tiền DVMTR và kế hoạch tuần tra QLBVR đã được cộng đồng thực hiện tốt qua các năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với UBND xã Tu Mơ Rông, Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông và Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông trong công tác tổ chức tuần tra bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của bà con trong thôn về công tác bảo vệ rừng”.

leftcenterrightdel

Cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh Kon Tum tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, tập huấn, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế cho nhân dân xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. 

Năm 2021, cộng đồng thôn Giang lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi QLBVR 164,91 ha rừng cung ứng DVMTR và được chi trả số tiền DVMTR hơn 136 triệu đồng. Anh A SĐáo, Bí thư chi bộ cộng đồng dân cư thôn Giang lố 1 cho biết: “Hiện nay tiền DVMTR của cộng đồng đang phát huy vai trò là một trong những động lực thúc đẩy bà con tham gia tích cực trong việc trông coi bảo vệ rừng; thôn đã thành lập 8 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ 3 người luân phiên nhau trông coi diện tích rừng được giao, cũng như phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác QLBVR”. 

Nói về công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR của thôn, anh A SĐáo chia sẻ: “Cũng như nhiều cộng đồng khác thì chúng tôi đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR của cộng đồng, luôn ưu tiên cho việc bảo vệ rừng là 50% số tiền được nhận hàng năm, số tiền còn lại chúng tôi đã cho một số hộ gia đình vay vốn phát triển sinh kế. Đối với số tiền dành cho hoạt động chung của cộng đồng chúng tôi đã sửa sang nhà rông, mua sắm các dụng cụ chung của cộng đồng và đặc biệt trong năm qua chúng tôi đã lắp được 24 bóng đèn năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng các trục đường trong thôn, bà con ai cũng phấn khởi, một số hộ gia đình trong thôn từ việc đùn đẩy việc đi trông coi bảo vệ rừng, nay đã chủ động xung phong cùng bà con trong thôn thực hiện công việc này”. 

Với sự nỗ lực và chung tay của cả cộng đồng, năm 2021 cộng đồng thôn Giang Lố 1 đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2021”.

Tích cực tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR

Thời gian qua, Quỹ BVPT rừng tỉnh Kon Tum đã tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế tại khắp các xã thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh.

Thông qua hoạt động này, Quỹ đã tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác QLBVPTR. Tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả tại cộng đồng dân cư thôn trong công tác QLBVR như: Xây dựng quy chế và lập kế hoạch sử dụng tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư thôn cho hoạt động BVPT rừng, cho hoạt động chung của cộng đồng dân cư thôn, cho vay vốn phát triển sinh kế. 

Từ việc giới thiệu các mô hình sinh kế triển vọng của Quỹ, đến những kết quả đã đạt được từ một số mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ở các địa phương được thực hiện nhờ nguồn tiền DVMTR đã tạo động lực để người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, mang lại nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng thông qua đó đã nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với cuộc sống của con người để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Đồng thời chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư thôn từ đó thay đổi hành vi để cùng nhau chung tay thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống./.

Trần Kiên