Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mua bán động vật hoang dã trên mạng kẻ vào tù, người bị phạt

Q.Đông

Thứ sáu, 19/11/2021 - 23:15

(Thanh tra) - Theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) hoăc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộphận của ĐVHD đều là hành vi vi phạm pháp luât và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiêm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Mọi hành vi liên quan đến ĐVHD đều có thể bị pháp luật xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Ảnh: ENV

Ngày 16/11, TAND Thủ Đức tuyên phạt Nguyễn Anh Thắng (SN 1985, trú tại đường 882 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh) 6 năm 6 tháng tù giam sau khi phát hiện 64 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm bị nuôi nhốt trái phép tại nhà của đối tượng.

Trước đó, ngày 18/8/2020, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận 9 (nay là Công an TP Thủ Đức), đã trinh sát và phát hiện, tịch thu 64 cá thể rùa quý hiếm đang bị nuôi nhốt trái phép tại nhà đối tượng Nguyễn Anh Thắng.

Qua kết luận giám định loài, 64 cá thể rùa thu giữ đều không phải là những cá thể rùa có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, bao gồm: 04 cá thể rùa phóng xạ, 06 cá thể rùa sao Myanmar, 12 cá thể rùa sao Ấn Độ, 03 cá thể rùa da báo, 39 cá thể rùa Sulcata.

Trong đó, rùa phóng xạ, rùa sao Myanmar và rùa sao Ấn Độ là các loài ĐVHD được liệt kê trong Phụ lục I Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Nguyễn Anh Thắng là một đối tượng chuyên rao bán các cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube và Zalo.

64 cá thể rùa quý hiểm thuộc loại nguy cấp cần bảo vệ được đối tượng Thắng rao bán

Với hành vi rao bán ĐVHD trên mạng xã hội, ngày 15/11/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Võ Tá Hưng (SN 1984, trú tại thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và Lê Hồng Thời (SN 1996, trú tại Thi Sách, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) với số tiền xử phạt lần lượt là 86.250.000 đồng và 71.000.000 đồng.

Từ năm 2019, hai đối tượng này đã thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo để quảng cáo, rao bán các loài ĐVHD như kỳ đà, khỉ, chim săn mồi và sản phẩm từ hổ, gấu, voi…

Mặc dù đã bị cơ quan chức năng nhiều lần trao đổi, giáo dục ý thức pháp luật về ĐVHD nhưng hai đối tượng này vẫn ngang nhiên tiếp tục quảng cáo trái phép ĐVHD. Công an tỉnh Kon Tum đã xem xét và tham mưu UBND tỉnh Kon Tum xử lý theo đúng quy định của pháp luât.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), vi phạm về động vật hoang dã trên mạng Internet diễn biến phức tạp trong những năm gần đây.

Trong năm 2020, ENV ghi nhận 1.759 vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD trên mạng Internet. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với 1.788 vụ việc vi phạm trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử được ghi nhận chỉ trong 3 quý đầu năm 2021.

Việc xử lý các vi phạm về ĐVHD trên Internet được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 23/7/2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành trong viêc “ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm