Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tết xa nhà

Thứ hai, 09/01/2012 - 13:56

(Thanh tra)- Không ít sinh viên do không có điều kiện về quê ăn Tết, đã chọn cho mình nhiều họat động vì cộng đồng ý nghĩa như “Xuân tình nguyện” hoặc thực tế hơn là kỳ thực hành hai trong một, vừa đi dẫn tour vừa kiếm thêm thu nhập.

Tranh thủ chuẩn bị trước những chuyến đi "xuyên Tết".

Vạn nẻo tìm Xuân

Thời điểm giao mùa giữa năm cũ và năm mới cũng là lúc các công ty du lịch, lữ hành tất bật chuẩn bị làm tour, đón đầu mùa du Xuân. Trong đó, công tác tuyển chọn những hướng dẫn viên không chuyên, sinh viên đi dẫn tour là điều được các công ty du lịch, lữ hành đặc biệt quan tâm. Bởi ưu điểm của lực lượng trên ngoài sự nhanh nhẹn, năng động, mức lương đề xuất không cao, thì điều khiến các công ty lữ hành hài lòng nhất chính là việc chấp nhận đi tour xuyên Tết của họ.

Với sinh viên, nhiều bạn hoàn cảnh kinh tế còn khó, buộc phải đón xuân nơi đất khách quê người, cũng đã tranh thủ chạy tìm “mối” để kiếm việc làm thêm ngày Tết.

Bạn Nguyễn Hiểu Trung, sinh viên năm 4, ngành Du lịch Đại học Văn Lang tiết lộ, năm nay sẽ đón Tết tưng bừng với tour đi miền Trung từ 28 đến mùng 4. Điểm xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, điểm kết thúc là Quảng Bình. Mùng 5 đến mùng 7 Tết, Hiểu Trung lại bắt đầu tour mới tại Đà Nẵng.

Trung chia sẻ: “Quê em tận Nghệ An, nhà khó khăn nên 2 Tết rồi em không có điều kiện về quê. Đây là năm thứ 2 em theo “học kỳ Xuân” để tích lũy kinh nghiệm dẫn tour, đồng thời kiếm thêm ít tiền tiêu xài ngày Tết. Năm nay, em có được tour ở miền Trung nên chắc sau khi kết thúc hai tour em sẽ tranh thủ về nhà thăm gia đình. Đi tour ngày Xuân không nặng, lại vui nhưng nhiều lúc cũng tủi thân lắm. Nhất là lúc thấy mọi người vui vẻ, hạnh phúc trong ngày Tết bên gia đình”.

Cũng là người thâm niên ăn Tết xa quê như Trung, bạn Trương Văn Quyền, sinh viên năm 3 đại học Văn Hóa năm nay lại đón Tết ở Hà Nội. Chàng sinh viên quê Kiên Giang này không dấu nổi háo hức khi sắp được lần đầu thấy hoa Đào trên đất thủ đô.

Tuy nhiên, áp lực với bạn cũng không nhỏ, bởi theo được tour này đòi hỏi hướng dẫn viên phải vững kỹ năng lẫn kiến thức, đồng thời phải có sức khỏe.

Quyền khoe, bạn đang tích cực “bồi dưỡng” kiến thức về những nơi mình sắp đặt chân đến, đồng thời tìm hiểu những điều đặc sắc, những câu chuyện thú vị để giới thiệu đến khách theo cách riêng của mình. Đây là cái Tết đầu tiên không ở nhà nên bạn khá hồi hộp.

Quyền nói: “Em nhận đi tour 4 ngày Sài Gòn - Hà Nội từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Sau khi xong tour em sẽ tham gia chương trình mang Xuân cho trẻ nghèo của các bạn Đại học Kinh tế Quốc dân 2 ngày ở Quảng Ninh. Em muốn cái Tết năm nay của em phải thật nhiều ý nghĩa bên cạnh việc trau dồi kiến thức trước khi quay lại bằng tour Hà Nội - Đà Lạt - Sài Gòn bốn ngày vào mùng 6 đến mùng 9 Tết.

Không lựa chọn đi tour, nhưng bạn Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh lại chọn cho mình chương trình Xuân tình nguyện mà hội sinh viên của trường tổ chức.

Tiên cho biết, nhà em không quá xa nên việc kiếm một vé xe về quê ăn Tết không phải là quá khó. Nhưng nghe các bạn kể đi Xuân tình nguyện rất vui và nhiều ý nghĩa nên em đã xin cha mẹ cho tham gia chương trình. Em tin với 4 - 5 ngày Xuân cùng chia sẻ và ăn Tết với những mảnh đời nghèo khó sẽ giúp em có nhiều trải nghiệm và bài học lớn trong cuộc sống sau này. “Sau khi xong chiến dịch Xuân tình nguyện, em sẽ ở lại Sài Gòn làm một chân phục vụ cho đến ra Tết, kiếm thêm ít tiền lo trang trải chi phí học hành luôn”, Tiên nói.

"Tự biên, tự diễn" để có không khí Tết khi đi tour xa nhà


Cảm xúc phút Giao thừa


Xa nhà ngày Tết, có khi vui nhưng cũng lắm lúc buồn. Các bạn sinh viên vì nhiều lý do phải ăn Tết xa nhà dù trong tâm thế nào (chủ động hay không chủ động) cũng sẽ khó tránh khỏi những khoảnh khắc xao lòng khi nhớ đến giờ phút chuyển giao năm mới được quây quần bên mâm cơm gia đình quen thuộc.

Hồ Minh Thành, sinh viên năm 2 Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn thổ lộ: Ngày Xuân, du khách du Xuân thường đi theo nhóm, có bạn có bè. Nhân viên hướng dẫn như tụi em ai lo việc người nấy, chẳng còn thấy không khí Tết gì luôn. Năm ngoái, em đi tour Đà Lạt, đêm giao thừa mọi người thật vui, nhóm hướng dẫn tụi em cũng san sẻ những cảm xúc giao thừa với nhau, nhưng cảm giác nhớ nhà vẫn khôn nguôi.

Không khí đêm Giao thừa năm ngoái của Nguyễn Hiểu Trung là ở một quán cóc ven đường với hai lon bia “tự thưởng” và cảm nhận không khí cái Tết quê nhà thông qua chiếc điện thoại.

“Khi chuyến xe đi ngang những nhà dân, thấy loáng thoáng đâu đó những mâm xôi, chén chè cùng mùi thơm của nhang phảng phất khiến lòng mình len lỏi rất nhiều cảm xúc khó tả. Dù lòng chẳng muốn, nhưng suy nghĩ về gia đình, về cha mẹ ở quê đang cúng giao thừa ở nhà, đón Xuân sang trong tâm trạng buồn, cùng sự nhung nhớ và mong ngóng về mình mà lòng nặng trĩu, cứ nghĩ đến cảnh đấy là buồn đến tê tái cõi lòng”, Trung xúc động.

Năm ngoái, khi xong tour 4 ngày ở Nha Trang, Trung đã tức tốc đón xe đò về quê, về đến nhà chỉ biết lao vào lòng mẹ mà khóc.

Cũng có nhiều cung bậc cảm xúc trong giây phút đón Giao thừa xa cha mẹ, Phạm Thị Hoài, sinh viên đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mãi không thể quên được những cảm xúc đầy ý nghĩa của đêm Giao thừa với trẻ nghèo tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm trước. Cái đêm Giao thừa mà lần đầu tiên trong cuộc đời Hoài cảm nhận hết được mọi cung bậc của yêu thương, sự sẻ chia của những trái tim ấm nồng tình yêu thương dành cho nhau.

Hoài kể: Khi cùng với các em lang thang cơ nhỡ, các trẻ nghèo quây quần bên nồi bánh chưng, chơi các trò chơi, kể cho nhau nghe về những vất vả đời thường mà thấy cái Tết thật ý nghĩa biết bao. Nhìn cảnh các em ngời sáng ánh mắt với những món quà, lì xì ngày Tết lần đầu tiên trong cuộc đời của chúng, nhìn chúng ăn miếng bánh chưng mà toe toét nụ cười, lòng mình thấy ấm áp vô bờ. Giao thừa, mình cũng là người ăn Tết xa quê, nhưng sao lòng thấy ấm áp lạ thường.

Với nhiều bạn sinh viên ăn Tết xa quê, niềm vui đôi khi chỉ nhỏ nhoi là thế. Riêng với những bạn tranh thủ làm thêm ngày Tết, thì niềm vui đầu năm chính là những phong bao lì xì nhận được từ khách, từ công sức mình bỏ ra.

Thù lao những ngày lao động dịp Tết cũng đặc biệt hơn. Với khoảng thời gian cho “Học kỳ Xuân” từ 7 - 12 ngày, nhiều bạn không chỉ đủ tiền trang trải học phí, chi phí ăn ở cho học kỳ mới, mà còn có chút ít phụ giúp cha mẹ.

Ngoài việc có thêm thu nhập trong những ngày ăn Tết xa quê, việc có thêm thời gian, điều kiện tích lũy kinh nghiệm, trang bị cho mình những kỹ năng sống quý giá từ những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng trong những ngày Xuân cũng giúp nhiều bạn  trưởng thành hơn.


Anh Tú

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm