Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có giọt máu đào thấm ướt những trang tin...

Thứ tư, 17/06/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Làm nghề báo, mấy ai không biết rằng, để có thông tin kịp thời, chính xác, những trang tin hay, được độc giả mến mộ, thì trải qua biết bao những cuộc “dấn thân” nhọc nhằn; luôn dũng cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, chấp nhận hiểm nguy và nhiều khi là sự hy sinh.

Phóng viên trong một cuộc họp báo tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: TH

Dọa giết phóng viên

Hơn 10 năm gắn bó với nghề báo, tôi từng nghe nhiều câu chuyện của các anh, chị đồng nghiệp chia sẻ về sự nhọc nhằn, nguy hiểm cũng như những vinh quang của nghề báo.

Nhà báo Trần Văn Quốc (Báo Điện tử Tầm nhìn) chia sẻ: "Gần 10 năm theo đuổi nghề báo, tôi luôn bị day dứt bởi đề tài phá rừng, lợi dụng dự án để trục lợi tài nguyên rừng. Khi thực hiện điều tra về những đề tài này, phóng viên luôn gặp rất nhiều áp lực, nguy hiểm luôn rình rập. Chứng kiến những cây cổ thụ có đường kính từ 1m đến gần 2m bị đốn hạ, chỉ còn lại phần gốc “ứa máu”, gỗ được xẻ ra phơi bày ngổn ngang, cả cánh rừng rộng lớn bị cày xới nham nhở vì lâm tặc ủi đất mở đường nhánh để vận chuyển gỗ ra ngoài... khiến tôi cảm thấy xót xa, tiếc nuối và đầy căm phẫn.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của tôi, cho đến nay, là khi thực hiện điều tra về những khuất tất tại dự án cấp đất tái định canh dự án thủy điện Thượng Kon Tum vào tháng 6 năm 2019. Khi nhận được phản ánh của người dân về việc hơn 74ha rừng tự nhiên tại huyện Kon Plông, Kon Tum, bị “xẻ thịt” thần tốc với lý do cấp đất tái định canh dự án thủy điện Thượng Kon Tum, tôi và đồng nghiệp ở Báo Vietnamnet đã nhanh chóng tiếp cận điều tra. Trong lúc đang tìm hiểu thông tin về dự án này, một người tên là BT đã xông vào phòng làm việc của Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đòi lấy mạng 2 chúng tôi.

Ngay từ cửa, người này lớn tiếng chửi thề, đe dọa mạng đổi mạng với phóng viên. May thay, Phó Hạt trưởng và cán bộ pháp chế Hạt kiểm tra huyện Kon Plông đã kịp thời ngăn lại. Sau đó, anh ta bỏ ra ngoài nhưng vẫn liên tục chửi thề và theo dõi phóng viên trong quá trình làm việc tại đây. Mặc dù nguy hiểm đến tính mạng như vậy, nhưng vì cánh rừng đang ngày đêm rỉ máu, tôi và đồng nghiệp ở Báo Vietnamnet vẫn quyết tâm đến cùng thực hiện loạt phóng sự điều tra này".

Phóng viên Trần Quốc khi điều tra phá rừng tại Kon Tum. Ảnh: TQ

Dấn thân với nghề mới biết, làm báo không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, nhất là khi đi làm bài phóng sự điều tra. Có những vụ việc mà phóng viên phải dùng đến sự khôn khéo, tự tin thì quá trình tác nghiệp mới có kết quả.

Kể về loạt bài “Bức tử lòng đất”, nhà báo Dương Thanh Tùng (Báo Đại Đoàn kết) nói về cuộc hành trình làm nên tác phẩm để đời của mình. Từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, dân tứ xứ đã đổ về Bắc Kạn xới tung sông, suối tìm vàng. Khi cơn lốc khai thác thủ công vừa tạm lắng thì Bắc Kạn lại xuất hiện những ông chủ lớn, cùng với máy móc, công nghệ đào xới quy mô, biến núi rừng thành “chiến địa” và sông, suối sền sệt bùn, đặc biệt tại mỏ vàng sa khoáng tại thôn Nà Làng, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, thảm họa lâu dài về môi trường hiện hữu.

Từ Hà Nội lên Bắc Kạn, một mình vào vùng khai thác vàng nguy hiểm đó và để có được những thông tin, bức ảnh quý giá về tình trạng khai thác tài nguyên tại đây là một cuộc hành trình đầy gian nan và vất vả, gặp không ít những nguy hiểm, thậm chí còn bị nhóm côn đồ đe dọa đánh, đập máy ảnh. Nhưng do đã xác định mọi tình huống xấu, khó khăn có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp, đồng thời với tâm thế luôn sẵn sàng đối diện với sự trả thù của các đơn vị, cá nhân khi bị phanh phui, mà nhà báo Dương Thanh Tùng đã dũng khí theo đuổi đến cùng, và cuối cùng, ghi nhận sự đóng góp của nhóm tác giả, tác phẩm “Bức tử lòng đất” đã được trao Giải B - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V năm 2010.

Xả thân…

Nhà báo Hoàng Loan (Tạp chí Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Chất lượng Việt Nam Online) chia sẻ, để điều tra phóng sự về máy đào tiền ảo Sky Mining, cùng với nhóm phóng viên Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV24, suốt 2 tháng trời, nhóm phóng viên rong ruổi khắp nơi, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, hay phải rời khỏi nhà từ 3 giờ sáng để đến các tỉnh, thành tìm hiểu về vụ việc.

Nhà báo Hoàng Loan kể lại, đáng nhớ nhất là chuyến đi Thái Bình. Lên kế hoạch ngày hôm sau 6 giờ bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, thì 3 giờ sáng ngày hôm đó, chị bị đau dạ dày, nhưng không muốn làm đình trệ công việc của đồng nghiệp, nên đã cố gắng đi và 17 giờ về tới Hà Nội đã phải nhập viện. Dù sao, kết quả sau cùng cũng mỹ mãn, sau khi phát sóng loạt phóng sự đó, hình thức lừa đảo này đã chấm dứt.

Hay những tin tức về thiên tai, lũ lụt, các nhà báo, phóng viên phải thâm nhập thực tế, có mặt kịp thời để chuyển tải những thông tin mới nhất, xác thực nhất, đầy đủ nhất về cuộc sống người dân vùng thiên tai…

Kể về chuyến đi tới thị tứ Ngã Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái - nơi cơn lũ lịch sử số 7 càn quét vào cuối tháng 9/2005 gây sạt lở, nhà báo Phương Hiếu (Báo Thanh tra) nhớ lại, để đến được vùng thảm khốc nhất do cơn lũ gây ra, đoàn công tác đã phải vượt qua những cung đường đồi núi quanh co, gấp khúc và hàng trăm đoạn điểm sạt lở, rồi đi bộ mất gần 8 giờ đồng hồ và cuối cùng cũng hoàn thành chuyến công tác, với loạt bài: "Chờ sự hồi sinh sau lũ ở thị tứ Ngã Ba - xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn" và "Phong Dụ Thượng thoát nghèo nhờ thanh tra"…

Phóng viên xả thân để có bức ảnh đẹp. Ảnh: Internet

Chúng ta vẫn còn nhớ, mùa mưa lũ năm 2017, phóng viên Đinh Hữu Dư (Thông tấn xã Việt Nam) khi đang tác nghiệp tại cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, đã bị lũ cuốn trôi. Ít ai biết rằng, những thước phim xúc động về cảnh lũ tàn khốc đã được đánh đổi bằng bao nhiêu nỗ lực của Đinh Hữu Dư và đồng nghiệp. Cao hơn tất cả, đó là bằng tính mạng của nhà báo Hữu Dư.

Nếu không chịu khó khăn, vất vả, không ngại hiểm nguy, không yêu nghề, thì người làm báo khó thành công. Nhà báo Đỗ Đạt (Báo Lao động Thủ đô) kể lại, trong rất nhiều chuyến đi tác nghiệp, chuyến đi về bản Oi Nọi, xã Tiền Phong, huyện vùng cao Đà Bắc, Hòa Bình, để viết về “người rừng” Bùi Văn Toán, đã để lại nhiều kỷ niệm nhất. "Quãng đường 200km từ Hà Nội lên trung tâm bản Oi Nọi trong tiết trời giá rét, mưa lạnh, con đường rừng như sợi chỉ mỏng vắt ngang sườn núi, vừa dốc, vừa quanh co, nhiều đoạn cua gấp, trơn trượt khiến chúng tôi phải dùng đến dây buộc vào bánh xe mới vượt qua được những con dốc dài". Ấy thế, cũng phải mất đến gần chục lần, Đạt và cô bạn đồng nghiệp phải xuống xe dắt bộ, “vì có những đoạn đường, chỉ cần sơ ý trượt bánh trên những hòn đá to lổm nhổm, là chắc chắn chúng tôi sẽ xuống vực thẳm”. Sau đó, "phải cuốc bộ thêm gần 3 tiếng đồng hồ từ bản Oi Nọi, qua xóm Phiếu và cánh rừng Lắn âm u, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được nơi “người rừng” Bùi Văn Toán trú ngụ".

Sau chuyến đi, "loạt bài phóng sự về “người rừng” ở Hòa Bình sống 40 năm trong rừng được chúng tôi đăng tải, và niềm vui được nhân lên gấp bội khi bài viết của chúng tôi đã tạo được hiệu ứng rất tốt. Đặc biệt, sau khi bài báo đăng, một cựu chiến binh ở Long Biên, Hà Nội, đã nhận ra đồng đội của mình, chính là “người rừng” trong loạt phóng sự của chúng tôi".

Kể về chuyến đi Trường Sa ý nghĩa, nhà báo Dương Ngọc (Báo Lao động) chia sẻ, vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa, mỗi ngày, các phóng viên trong đoàn công tác dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp, là những người lên đảo sớm nhất và rời đảo sau cùng, để có thể ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi hải đảo xa xôi, tình cảm của đại biểu.

Phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa. Ảnh: DN

Nhà báo Dương Ngọc nhớ lại, trong chuyến hải trình thăm quân và dân tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa,  tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/20 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của đoàn công tác số 5 năm 2019, các nhà báo luôn say sưa tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt nơi tuyến đầu Tổ quốc. Sau mỗi chuyến lên đảo, về tàu, trong khi các đại biểu có thể nghỉ ngơi, giao lưu, thì các phóng viên lại tiếp tục công việc: Làm bản tin phát thanh trên tàu với những dữ liệu cập nhật về hành trình, tình cảm của thành viên đoàn công tác với chiến sĩ, với biển đảo quê hương và với nhau, quà tặng âm nhạc để thắt chặt thêm mối gắn bó…

“Đêm đêm, họ lại trích xuất dữ liệu, chuẩn bị cho kế hoạch làm việc ngày hôm sau hoặc viết bài để khi có mạng internet có thể gửi về tòa soạn kịp thời. Do điều kiện phòng trên tàu không có chỗ ngồi làm việc, để tiết kiệm diện tích, giường tầng rất thấp, có phóng viên đã luyện được "tuyệt chiêu" nằm đánh máy” - nhà báo Dương Ngọc chia sẻ.

Hàng năm, biết bao nhà báo bị đe dọa khi tác nghiệp, không những tính mạng bản thân mình mà cả tính mạng gia đình, người thân của họ gặp nhiều rủi ro. Càng dấn thân thì rủi ro càng nhiều. Những trang tin được viết lên từ sự xả thân và máu lửa. Thậm chí cả tính mạng. Song, không vì thế mà các nhà báo nản lòng, chùn bước...

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Bình trao giải báo chí về xây dựng Đảng 2024

Quảng Bình trao giải báo chí về xây dựng Đảng 2024

(Thanh tra) - Ngày 21/11, Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Bình lần thứ VI - năm 2024 tổ chức lễ tổng kết, trao giải cho 17 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. 

Lê Hữu Chính

08:59 22/11/2024
Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm