Theo dõi Báo Thanh tra trên
NCS Đỗ Công Định
Thứ sáu, 04/11/2022 - 14:20
(Thanh tra) - Kinh Phật viết: "Nhất thiết pháp, nhân duyên sinh". Tức là, tất cả các pháp (mọi sự vật, hiện tượng) đều do nhân duyên mà sinh ra.
Ngày 11/5/2022, Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định đã tặng quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Đại lễ Phật đản PL. 2566. Ảnh: http://phatgiaobinhdinh.vn/
Phật cũng dạy rằng, “ly nhân duyên, biệt vô ngã”. Nghĩa là, rời bỏ nhân duyên ra, không còn có gì gọi là ta cả.
Điều này có ý nghĩa, hết thảy mọi chúng sinh (Phật giáo quan niệm muôn loài là bình đẳng, một quan niệm rất tiến bộ), không ai có tự tính cả mà chỉ do nhân duyên hợp lại mà sinh ra.
Vậy, nhân, quả nên hiểu như thế nào?
Nhân (theo nghĩa đen là hạt giống), là nguyên nhân, là năng lực sản sinh ra quả (theo nghĩa đen là trái cây), là kết quả. Nói cách khác, mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều do nguyên nhân của nó sinh ra.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin thì, nhân là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong cùng một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau trong những điều kiện cụ thể gây ra một sự thay đổi nhất định; quả là những thay đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau của các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau. Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả. Vì thế, nó có trước. Quả là cái có sau.
Ngoài nguyên nhân chính trực tiếp làm nảy sinh ra kết quả, còn có một số nguyên nhân phụ khác có tác động lớn tới kết quả, đó chính là duyên. Do vậy, khi nói tới "luật nhân, quả" trong Phật giáo nên hiểu một cách đầy đủ là nhân - duyên - quả.
Một hạt lúa (nhân) khi gieo xuống đất, gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành cây lúa (quả). Các yếu tố giúp quá trình chuyển hóa từ hạt lúa sang cây lúa như đất, nước, phân, khí hậu… chính là duyên. Nhân duyên hòa hợp mới sinh ra vạn pháp. Nếu có nhân mà không có duyên thì dù có sức năng sinh mạnh đến đâu đôi lúc cũng khó có thể sản sinh ra kết quả được.
Có thể khẳng định rằng, khi đề cập tới "luật nhân, quả", nghiệp báo tức là nói tới quá trình tạo nghiệp của nhân để từ đó dẫn tới quả. Nhân ở đây chính là con người. Mỗi tư duy, hành động của con người là do họ tự tạo lấy chứ không hề có một thế lực quyền năng nào chi phối cả.
Đức Phật đã dạy: "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta". Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch.
Thực tế, "luật nhân, quả" biểu hiện rất phức tạp. Một nhân có thể sinh ra nhiều quả nhưng cũng có quả lại do nhiều nhân sinh ra. Trong dòng chảy vô tận của cuộc sống thì cái đôi lúc tuy gọi là nhân nhưng thực sự lại chính là duyên bởi vì không có một cái nhân nào là cái đầu tiên cả và cũng không có cái quả nào được xem là cái quả cuối cùng. Cũng như bố mẹ là cái nhân sinh ra con cái nhưng lại là quả của ông bà.
Người Việt có câu “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”. Ở đời, có những người ăn ở đức độ, hiền lành, tốt bụng nhưng gặp nhiều tai họa, bất hạnh. Lại có kẻ, bất nhân, thất đức song lại được hưởng nhiều “ưu đãi” của số phận nên đã có nhiều người cho rằng, "luật nhân, quả" của Phật giáo là sai lầm, là không phù hợp. Nhưng, họ đâu có hay "luật nhân, quả" không hề phụ thuộc hay ràng buộc vào thời gian thế nên mới có nghiệp nhân đưa ngay kết quả trong kiếp này. Có nghiệp nhân tạo trong kiếp này đến kiếp sau mới bị quả báo. Cũng như có những nghiệp được tạo từ đời trước đến đời này mới gặp duyên mà thành quả.
Đức Phật chẳng từng dạy “con người là chủ của nghiệp, là kẻ thừa sự nghiệp” là gì?
"Luật nhân, quả" với bản chất đem lại sự công bằng cho xã hội nên cao hơn cả, nó giáo dục con người phải biết sống lành mạnh, khuyến khích con người làm nhiều việc tốt, việc thiện, xa lánh điều ác, tránh làm những việc bất nhân, phi nghĩa để có được cuộc sống tốt lành hơn.
Giáo lý nhân, quả rất chú trọng đến vấn đề thiện, ác bởi đây là cặp phạm trù cơ bản tác động trực tiếp đến "luật nhân, quả". Tuy nhiên, để hiểu thấu đáo cụm từ này ta nên xét nó theo đúng bản chất. Phật giáo quan niệm, việc làm không quan trọng bằng ý niệm. Luận về thiện, ác cũng do đó mà căn cứ vào tâm địa phát ra chứ không nên chú trọng vào hành động đơn thuần của việc làm đó. Thấy một bà mẹ đánh con, ta chẳng nên phán đoán ngay về sự thiện, ác của người này mà phải xem xét bản chất của hành động. Nếu vì lợi ích của đứa trẻ thì hành vi của người mẹ là thiện, dẫu đôi lúc, không cần phải đánh trẻ; nhưng nếu vì muốn đánh cho bõ tức hay làm nhục nó để giải tỏa một nỗi bực tức của mình (theo kiểu “giận cá, chém thớt”) thì đó là hành động ác cần phải lên tiếng.
Khi chúng ta gieo nhân lành sẽ được quả lành, gây nghiệp ác sẽ bị quả báo. "Luật nhân, quả" nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân chỉ tồn tại trong môi trường xã hội do vậy không thể áp dụng nó giống như hệ thống pháp luật nhà nước mà các chính phủ ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh liên quan.
"Luật nhân, quả" tồn tại song song với pháp luật nhà nước nhưng lại không bó buộc con người mà đề cao sự tự ý thức, trách nhiệm tự làm chủ hành vi của bản thân mỗi cá nhân trong xã hội. Một cá nhân khi vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị (khi có đủ nhân chứng, vật chứng rõ ràng) nhưng nếu xét về phương diện đạo đức Phật giáo thì khi những ý niệm tội lỗi bắt đầu nảy sinh trong đầu óc con người thì hành động đó đã là có tội.
Mỗi cá nhân sống trong xã hội do điều kiện khác nhau nên việc tiếp nhận những phương pháp giáo dục khác thế nên việc tự ý thức mình theo chuẩn mực đạo đức là phương pháp hữu hiệu nhất. Một đứa con khi sống trong một gia đình hạnh phúc, được bố mẹ quan tâm, chăm sóc dạy dỗ có rất nhiều khả năng để trở thành một người tốt hơn là những đứa trẻ bị cha mẹ hắt hủi, bỏ rơi. Đứa trẻ ấy sẽ dễ bị sa ngã bởi môi trường sống của nó nhưng nếu nó sớm ý thức được hành vi của mình thì nó cũng sẽ ngoan ngoãn, sẽ trở thành người tốt như bao đứa trẻ được giáo dục đầy đủ khác. Do đó, trách nhiệm của cá nhân theo "luật nhân, quả" chính là trách nhiệm cao nhất đối với đạo đức của mỗi cá nhân chứ không phải là trách nhiệm do pháp luật quy định.
Cá nhân khi đứng trước nguy cơ phạm tội thì họ sẽ phải đứng trước những câu hỏi rất lớn mà chỉ cần trả lời sai một chút thôi là họ sẽ để lại những hậu quả, thậm chí rất nặng nề và sẽ phải gánh chịu trách nhiệm do hành vi đó gây ra. Trong trường hợp do vô tình phạm tội, dù không bị pháp luật xét xử, nhưng bản thân cá nhân đó luôn ăn năn bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình không thể chạy trốn lương tâm của chính mình. Vì thế, họ sẽ có nhiều việc làm tích cực, tốt hơn để sửa chữa lỗi lầm gây ra, để tự "giải nghiệp" cho mình.
Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về tư duy, hành động của mình. Hạnh phúc hay bất hạnh là do con người tự tạo cho mình bởi chính họ là chủ nhân đích thực cuộc đời của họ.
Văn hóa Phật giáo, trên cơ sở lựa chọn khoa học, đã phát triển những tư tưởng rất nhân bản, góp phần hạn chế những tiêu cực, bất công trong cuộc sống để xây dựng và củng cố một nền văn hóa đạo đức xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái vốn có của dân tộc Việt Nam. Sống trong một môi trường tích cực và nhân bản như thế, mong rằng tất cả chúng sinh sẽ nhanh chóng tiến tới một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Tới đây, xin khép lại bài viết bằng việc mượn lời Đấng Thế tôn: Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo tác. Đối với ý nhiễm ô, nói năng hay hành động khổ não bước theo sau như xe đi theo sau chân vật kéo. Đối với ý thanh tịnh, an lạc bước theo sau như bóng không rời hình. (Kinh Pháp cú).
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP HCM từ 1.000-5.000 m2 tùy địa phương.
Uyên Uyên
12:19 12/10/2024(Thanh tra) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc đã diễn ra các nghi thức trang trọng của Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Trà Vân
18:58 19/05/2024Trà Vân
22:32 02/03/2024Trà Vân
23:53 23/06/2023Trà Vân
09:07 28/05/2023Trà Vân
11:20 31/12/2022Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh