Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quảng Trị: Lãng phí nhiều nhà trưng bày tiền tỷ

Minh Tân

Chủ nhật, 30/07/2023 - 21:30

(Thanh tra)- Hàng loạt công trình nhà trưng bày tại các khu di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ xây dựng được “cái vỏ”, còn hiện vật trưng bày hầu như không có, dẫn đến các công trình tiền tỷ này không phát huy được công năng, để hoang hóa và lãng phí.

Công trình nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc suốt 7 năm qua vẫn chỉ sử dụng được một phần nhỏ vì thiếu hiện vật. Ảnh: Minh Tân

Những phòng trưng bày trống không

Với hình khối bề thế trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Nhà trưng bày Địa đạo Vịnh Mốc lại đóng cửa, cài then. Chỉ duy nhất 1 phòng nhỏ được trưng bày với ít hiện vật mang tính chất tạm thời.

Được khởi công vào tháng 11/2013, hoàn thành vào năm 2016 nhưng mãi đến năm 2018, công trình Nhà trưng bày Địa đạo Vịnh Mốc mới được nghiệm thu quyết toán.

Công trình được xây dựng với 3 dãy nhà (3 khối) kết nối với nhau như một đường hầm trong lòng đất có diện tích mặt sàn hơn 1.000m2, tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Có tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng nhưng Nhà trưng bày Địa đạo Vịnh Mốc vẫn không thể đưa vào sử dụng trong suốt 7 năm qua. Ảnh: Minh Tân

Công trình được kỳ vọng sẽ tổ chức triển lãm, trưng bày, bảo vệ tư liệu ảnh, hiện vật. Đồng thời, nâng cao giá trị cho khu di tích cũng như phục vụ tốt hơn cho du khách đến tham quan, tìm hiểu địa đạo Vịnh Mốc cũng như lịch sử của quân và nhân dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh ác liệt.

Tuy nhiên, cả một công trình đồ sộ nhưng chỉ có “cái vỏ” bên ngoài, bên trong là những căn phòng trống trải, bụi bẩn phủ khắp nơi. Cửa chính được khóa và giằng néo tạm bợ bởi những thanh tre đề phòng mùa mưa bão. Nhiều bức tường đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng với vết nứt, vàng ố hoặc phủ đầy rêu xanh. Bên ngoài, nhiều bức tường cỏ dại mọc và những dòng sơn bị vẽ bậy lên.

Không có hiện vật để trưng bày khiến nhà trưng bày trống không và công trình đang xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Minh Tân

Đến năm 2019, nhà trưng bày bổ sung (cũ) xuống cấp nghiêm trọng, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng (QLDT&BT) tỉnh Quảng Trị, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Trị sử dụng một phần nhỏ của nhà trưng bày mới nhằm đưa một số hiện vật vào trưng bày. Dù vậy, 2/3 công trình vẫn để trống và hoang hóa dần.

Cùng chung số phận “hẩm hiu” khi công trình trưng bày bổ sung tại Di tích Quốc gia Nhà tù Lao Bảo cũng chỉ sử dụng tầng 1, còn toàn bộ không gian tầng 2 vẫn bỏ trống, bên trong chỉ có bụi và rác của những con chim làm tổ tha về.

Công trình được khởi công vào tháng 11/2014 và hoàn thành vào năm 2016 với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 3 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 3 tỷ đồng.

Tầng 2 của nhà trưng bày bổ sung Di tích Nhà tù Lao Bảo cũng trống không trong suốt 7 năm qua. Ảnh: Minh Tân

Tầng 1 đang được sử dụng thành nơi làm việc, tiếp khách và lưu trú của nhân viên quản lý di tích, khu vệ sinh. Trong khi đó, tầng 2 với ý định là nơi đặt bàn thờ vọng tưởng niệm các sĩ phu yêu nước, các chiến sĩ cộng sản đã hi sinh tại nhà tù cũng như đặt sa bàn, trưng bày các hiện vật, ảnh…

Tuy nhiên, thiếu kinh phí cũng như không đồng bộ nên khó có thể đưa vào sử dụng như ý định ban đầu đặt ra. Thậm chí, nhiều hiện vật tại đây đã phải đưa về kho của Trung tâm QLDT&BT cất giữ vì tầng 2 không đủ điều kiện để trưng bày, bảo quản.

Yêu cầu rà soát và có báo cáo với UBND tỉnh

Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm QLDT&BT tỉnh Quảng Trị, xác nhận các công trình trên do đơn vị làm chủ đầu tư, nguồn vốn xây dựng từ ngân sách Nhà nước và một phần từ nguồn vốn xã hội hóa. Tuy vậy, việc đầu tư dự án chỉ mới dừng lại việc thực hiện xây dựng cơ bản, còn nguồn vốn sưu tầm hiện vật, thiết kế bố trí, trưng bày vẫn chưa được bổ sung. Thiếu hiện vật, thiếu kinh phí thiết kế là nguyên nhân khiến 2 công trình trên không thể sử dụng như công năng đặt ra.

“Trong khi đó, việc sưu tầm hiện vật gần như lập một dự án riêng với nguồn vốn đầu tư lớn và phải mất khá nhiều thời gian. Chưa kể, việc thiết kế trưng bày các hiện vật như thế nào cũng phải cần mức đầu tư khác nữa”, ông Chức cho biết thêm.

Theo ông Chức, việc sưu tầm hiện vật, đặc biệt là việc thiết kế không gian trưng bày đòi hỏi khá kỳ công. Trong đó, phải đi sưu tầm hiện vật, thiết kế, xây dựng lại gần như toàn bộ bên trong mới có thể có không gian trưng bày theo từng nhóm hiện vật, từng giai đoạn lịch sử.

Bên trong Nhà trưng bày Hiện vật Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn vẫn là những khoảng trống vì thiếu hiện vật và vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Minh Tân

Tương tự, tại khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nhà trưng bày Hiện vật Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn cũng trong hoàn cảnh bỏ không vì thiếu… hiện vật.

Công trình thuộc dự án nâng cấp nhà trưng bày hiện vật Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành Lao động Thương binh và Xã hội được thực hiện từ năm 2020.

Chưa được đưa vào hoạt động nhưng nhiều hạng mục tại Nhà trưng bày Hiện vật Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã hư hỏng, xuống cấp gây lãng phí. Ảnh: Minh Tân

Dù đến nay công trình gần như hoàn thiện những vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, không thể phát huy được công năng. Chưa kể, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, sụt lún khiến nhiều người dân, du khách lắc đầu ngao ngán trước sự đầu tư không mang lại hiệu quả ở một di tích cấp quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước những thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến chỉ đạo Sở VH-TT&DL tỉnh tiến hành rà soát lại, không chỉ đối với 2 công trình này mà còn có một số công trình khác liên quan. Trong đó có những giải pháp, khắc phục xử lý để đề xuất, trình lên UBND tỉnh nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế từ đó phát huy được giá trị của các di tích.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm