Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Minh bạch thủ tục hành chính, thiết lập mạng lưới kinh doanh liêm chính

Hương Giang

Thứ bảy, 06/05/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính, hướng tới xã hội không tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hồ sơ thủ tục hành chính để chậm, muộn phải giải trình, xin lỗi

Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã yêu cầu phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Với doanh nghiệp, Chính phủ nhiều lần nêu rõ quan điểm, hỗ trợ phát triển theo hướng không phân biệt đối xử, bao gồm việc tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực, nhân tố sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, đơn giản hóa và giảm điều kiện kinh doanh, đảm bảo quyền cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.

Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 14 luật, 74 nghị định, 105 thông tư và 4 văn bản khác để thực thi.

Đáng chú ý, kênh tương tác “2 chiều”, tiếp nhận khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đã được thiết lập.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được tham vấn người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Không chỉ vậy, 6.472 thủ tục hành chính đã được công khai. Người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi được toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ thông tin, nhiều bộ, ngành, địa phương đã công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công định kỳ hàng tháng.

“100% hồ sơ thủ tục hành chính để chậm, muộn đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân”, báo cáo nêu.

Chi phí “lót tay” giảm dần, tiếp cận đất đai vẫn là “điểm nghẽn”

Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính, hướng tới xã hội không tham nhũng cũng là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Theo Chính phủ, mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính tại Việt Nam (VBIN) đã được triển khai nhằm huy động các nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Tham gia VBIN, các doanh nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau, giám sát và hợp tác cùng nhau để tăng cường quản trị công ty, hướng tới sự phát triển bền vững tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng phi tham nhũng.

Tới nay, đã có 15 hiệp hội với hơn 13.000 thành viên (doanh nghiệp) ký vào bản cam kết “kinh doanh liêm chính” để thể hiện tính tuân thủ, tính liêm chính và tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

“Hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong VBIN là những bước khởi đầu quan trọng trong việc hình thành hành lang pháp lý cho việc xử lý hành vi hối lộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong việc tham gia đấu thầu, đấu giá; xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại; công bố công khai danh tính các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong thời gian tới”, theo Chính phủ. 

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã giảm dần hàng năm. Minh chứng cho điều này, tại báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) 2022 công bố giữa tháng 4 vừa qua nêu, nếu như năm 2016, khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức thì đến năm 2022 con số này ở mức 42,6%, giảm hơn 23 điểm phần trăm.

Quy mô của khoản chi phí không chính thức cũng giảm đáng kể trong cùng kỳ. Nếu năm 2016, 9,1% doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, thì năm 2022 giá trị này chỉ còn khoảng 3,8% doanh nghiệp.

Mức độ phổ biến của chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể cũng tiếp tục xu hướng giảm. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm đáng kể, từ 20,9% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đối diện tình trạng nhũng nhiễu khi thực thi công vụ của một số cán bộ Nhà nước; tiếp cận đất đai tiếp tục là “điểm nghẽn lớn”; tình trạng phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến.

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, Văn phòng Chính phủ cũng nhận định, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, kiểm tra chuyên ngành… Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, nhất là việc thực thi các phương án đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trước điều này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân, doanh nghiệp phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.

Với lĩnh vực đất đai, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, ngăn chặn sai phạm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ bàn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 cuối tháng 5 này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, nhận thức, ý thức và trách nhiệm PCTN trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Sơn La ngày càng được nâng lên; công tác phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ hơn; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng chặt chẽ, khẩn trương.

Trần Kiên

07:00 23/11/2024
Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng tại huyện vùng cao Mù Cang Chải

Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng tại huyện vùng cao Mù Cang Chải

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Sự quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và sự đồng lòng của người dân đã giúp công tác PCTN trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, tạo nền tảng cho sự minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.

Bùi Bình

06:00 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm